Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2021: Vào giai đoạn nước rút

Từ nay đến 17 giờ ngày 5-9, thí sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (gọi tắt là ĐH, CĐ) với phương thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (chiếm 45% tổng chỉ tiêu năm 2021). Đây là phương thức xét tuyển cuối cùng của mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 và cũng là giai đoạn quyết định với thí sinh.
Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 28-3-2021
Thí sinh thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức ngày 28-3-2021

Thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng

Bộ GD-ĐT hướng dẫn rõ: Từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 thực hiện điều chỉnh nguyện vọng (NV) bằng 2 phương thức. Phương thức 1 (phương thức trực tuyến): thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để truy cập vào hệ thống thực hiện điều chỉnh NV, dùng mã OTP để xác nhận việc thực hiện điều chỉnh NV. Thí sinh được thay đổi tối đa 3 lần trong thời gian này (không được tăng thêm số NV). Phương thức 2 (điều chỉnh bằng phiếu đăng ký): thí sinh được tăng số NV đăng ký so với ban đầu hoặc có điều chỉnh ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng…, điền vào phiếu điều chỉnh đăng ký xét tuyển và nộp cho điểm thu nhận hồ sơ.

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), có gần 800.000 thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với gần 4 triệu NV. Về quy định đối với phương thức 2, hiện nay có nhiều thí sinh ở địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên không thể thực hiện được. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT linh động để chỉ đạo điểm thu nhận hồ sơ tiếp nhận, xử lý thông tin qua nhiều hình thức. Mọi thông tin điều chỉnh, thí sinh phải chịu trách nhiệm. Sai sót về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên có thể tiếp tục được các trường hậu kiểm minh chứng khi thí sinh nhập học. Riêng Vụ Giáo dục Đại học sẽ tìm cách hỗ trợ tối đa cho thí sinh theo đúng quy chế.

Th.S Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, thí sinh chỉ nên điều chỉnh NV trong các trường hợp sau: chưa trúng tuyển ngành nào, trường nào bằng các phương thức khác; điểm thi cao hơn nhiều so với dự kiến, cao hơn nhiều so với điểm chuẩn của ngành hoặc trường đó các năm trước hoặc điểm thi quá thấp; trước đó đăng ký quá ít NV hoặc đăng ký không đúng ngành yêu thích, không hiểu ngành, chọn mà chưa tìm hiểu kỹ về ngành, nghề đó như thế nào.

Về nguyên tắc, thí sinh đăng ký các NV theo thứ tự mức độ yêu thích. Ngành nào yêu thích nhất để vào NV cao nhất (NV1), rồi sau đó những ngành tiếp theo thứ tự giảm dần độ yêu thích của mình.

Lọc ảo liên tục

Theo Vụ Giáo dục Đại học, sau khi kết thúc điều chỉnh NV, bộ phận kỹ thuật sẽ cập nhật thông tin lên hệ thống và phần mềm lọc ảo. Từ ngày 13 đến ngày 15-9, phần mềm lọc ảo của Bộ GD-ĐT thực hiện 6 lần lọc ảo. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng sẽ hỗ trợ 2 nhóm lọc ảo: Nhóm lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TPHCM chủ trì với 90 trường ĐH, CĐ từ Quảng Bình trở vào tham gia; Nhóm lọc ảo phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì với 50 trường ĐH, CĐ tham gia (các trường từ Quảng Bình trở ra). Sau khi kết thúc lọc ảo, các trường sẽ công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) và danh sách thí sinh trúng tuyển.

Phó PGS-TS Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, thông tin: Nhóm lọc ảo phía Nam sử dụng phần mềm lọc ảo do Bộ GD-ĐT cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, nhằm thực hiện việc lọc thí sinh đã trúng tuyển NV cao hơn vào một trường thành viên trong nhóm để giúp các trường xét tuyển phù hợp yêu cầu và giảm thiểu tỷ lệ thí sinh ảo. Các trường thành viên hoàn toàn tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh tỷ lệ gọi trúng tuyển, xác định điểm chuẩn cho từng ngành, nhóm ngành hay chương trình.

Vụ Giáo dục Đại học cũng khẳng định, các trường thực hiện việc lọc ảo - xét tuyển theo danh sách các NV của thí sinh đã đăng ký và xác định mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 NV trong số nhiều NV đã đăng ký. Ví dụ thí sinh đăng ký 10 NV, từ NV1 đến NV10 vào 10 trường hoặc 1 trường thì thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 ngành hoặc 1 trường duy nhất. Nếu thí sinh trúng tuyển NV1 thì từ NV2 đến NV10 còn lại sẽ là ảo và bị loại bỏ. Trong khi đó, với các trường tham gia Nhóm lọc ảo phía Nam phải tuân thủ quy định là trong 2 lần lọc ảo cuối cùng, các trường có trách nhiệm giới hạn việc thay đổi tỷ lệ gọi trúng tuyển, không quá 10% cho từng ngành, nhóm ngành, chương trình (so với số lượng gọi trúng tuyển lần trước).

Một thành viên ban điều phối Nhóm lọc ảo phía Nam cho biết cuối tháng 5, ĐH Quốc gia TPHCM đã có công văn gửi các trường ĐH, CĐ để đăng ký tham gia nhóm lọc ảo. ĐH Quốc gia TPHCM đóng vai trò đơn vị điều phối và hỗ trợ kỹ thuật. Nhóm có ban điều hành để thống nhất và chỉ đạo mọi hoạt động, tổ kỹ thuật, thư ký để hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hậu cần trong việc vận hành phần mềm. Nhóm thống nhất sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD-ĐT cung cấp làm căn cứ chính để xét tuyển. Nhóm sẽ lọc ảo 10 lần xen kẽ với 6 lần lọc ảo của Bộ GD-ĐT.

Tin cùng chuyên mục