Tăng đợt thi, tăng chỉ tiêu
Một trong những kỳ thi tuyển sinh riêng lớn nhất hiện nay là kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức từ năm 2018 đến nay. Năm 2022, 2 đợt thi đã thu hút gần 120.000 lượt thí sinh tham gia; hơn 80 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả này để xét tuyển. Trong đó, các trường và đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM dành từ 20%-70% chỉ tiêu để xét tuyển bằng phương thức này. Về chỉ tiêu xét tuyển phương thức này, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng dần chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL từ năm 2023. Tuy nhiên, tăng như thế nào phụ thuộc vào kế hoạch tự chủ của các trường/khoa thành viên, tùy vào đánh giá của mỗi đơn vị về chất lượng tuyển sinh của phương thức này. Về địa điểm, kỳ thi sẽ tổ chức tại 17 tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ mở thêm điểm thi ở tỉnh Lâm Đồng và một số điểm thi ở khu vực ĐBSCL nhằm thuận tiện cho việc đi lại của thí sinh. Mặt khác, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội đang có kế hoạch sẽ công nhận kết quả 2 kỳ thi ĐGNL lẫn nhau để thuận lợi cho thí sinh không phải tham gia nhiều kỳ thi.
Tại khu vực phía Bắc, kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022 với 10 đợt thi, thu hút hơn 60.000 lượt thí sinh dự thi. Kỳ thi này có trên 60 trường ĐH, học viện đã sử dụng kết quả để xét tuyển, chỉ tiêu mỗi trường 10%-20%. Trong năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức 12 đợt thi (tăng 2 đợt), thời gian từ tháng 3 đến tháng 6-2023; quy mô khoảng 100.000 lượt thí sinh dự thi tại 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Hưng Yên. Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2-2023, mỗi thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm; thời gian đăng ký giữa 2 đợt cách nhau 4-6 tuần.
Các trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng cũng dự kiến tăng quy mô, chỉ tiêu tuyển sinh. Năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức kỳ thi ĐGNL chuyên biệt (thu hút 2.000 thí sinh dự thi) kết hợp với kết quả học tập THPT để xét tuyển 20% tổng chỉ tiêu. Sang năm 2023, trường sẽ mở rộng quy mô tổ chức kỳ thi ĐGNL và nâng chỉ tiêu xét tuyển lên 30%. Đồng thời, nhà trường sẽ có lộ trình thay thế hoàn toàn cho phương thức xét học bạ THPT… Tương tự, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dự kiến sẽ tăng số đợt thi kỳ thi đánh giá tư duy so với năm 2022 (tổ chức tại 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Tuyên Quang, Đà Nẵng).
Nâng chất lượng đề thi
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM, năm 2023, về cơ bản, trường vẫn tiếp tục giữ ổn định kỳ thi ĐGNL chuyên biệt. Tuy nhiên, để kỳ thi đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào từng ngành, nhà trường sẽ tổ chức hội thảo để ghi nhận góp ý của các chuyên gia nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đề thi. Thí sinh xét tuyển vào ngành học nào sẽ đăng ký dự thi một hoặc một số bài thi xét tuyển tương ứng. Thí sinh thực hiện bài thi trên máy tính tại các điểm thi do trường tổ chức. Nội dung kiến thức đề thi chiếm 70%-80% nằm trong chương trình lớp 12, còn lại ở lớp 10, 11.
PGS-TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho biết, kỳ thi đánh giá tư duy hướng tới lựa chọn thí sinh có năng lực học tập tốt nên các câu hỏi trong đề thi có tính phân loại cao với phổ điểm rộng. Bên cạnh đội ngũ ra đề thi giàu kinh nghiệm và giỏi nghiệp vụ, quy trình tổ chức nghiêm ngặt, trường sử dụng đơn vị độc lập với chuyên môn đo lường giáo dục để đánh giá, hiệu chỉnh đề thi bám sát chương trình THPT.
Về kỳ thi ĐGNL, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ tăng chất lượng đề thi, câu hỏi và chất lượng tương tác với thí sinh. Sau mỗi lần tổ chức kỳ thi, trung tâm sẽ rút kinh nghiệm để chuẩn hóa lại đề thi, đồng thời bổ sung câu hỏi vào ngân hàng đề thi nhằm đảm bảo đề thi được đa dạng, đảm bảo độ tin cậy.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên thành viên Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia, thực hiện Luật Giáo dục ĐH (năm 2018) và lộ trình đổi mới tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2025, các trường ĐH được tự chủ cao trong tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển - xét tuyển. Nhiều trường đẩy mạnh việc tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH bên cạnh phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển khác. Ngày càng có nhiều trường ĐH nỗ lực tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh là tín hiệu tích cực. Việc các trường giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng chỉ tiêu ở phương thức mới, xét tuyển kết hợp tiêu chí năng lực cho thấy các trường đã ý thức được đổi mới tuyển sinh ĐH là xu thế tất yếu. Khi Bộ GD-ĐT chưa có phương án cụ thể cho đổi mới thi và tuyển sinh thì nên tạo điều kiện, khuyến khích cơ sở đào tạo chủ động hợp tác để tổ chức kỳ thi riêng. Kỳ thi nào đủ uy tín, đủ độ tin cậy thì khuyến khích phát triển về quy mô tổ chức để tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia. |