Tuyển sinh đại học năm 2024: Miễn giảm học phí nhiều ngành học

Năm 2024, theo quy định của Nhà nước, sẽ có thêm một số ngành học đặc thù được miễn giảm học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học. Bên cạnh đó, một số đại học lớn cũng có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút người giỏi theo học những ngành khoa học cơ bản.

Miễn 100% học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí

Từ ngày 1-1-2024, Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực, trong đó quy định một số chuyên ngành khối sức khỏe sẽ được miễn 100% học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học đối với thí sinh trúng tuyển đại học trong năm 2024.

Cụ thể, Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Truyền nhiễm và Hồi sức cấp cứu có kết quả học tập, rèn luyện đủ điều kiện để cấp học bổng tại cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe của các cơ sở đào tạo công lập. Đồng thời, cấp học bổng chính sách cho người học những chuyên ngành này là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đối với các cơ sở đào tạo ngoài công lập, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học tương ứng với mức quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh. Như vậy, so với trước đây, quy định mới tăng thêm 3 chuyên ngành được miễn giảm học phí và có thêm khoản hỗ trợ sinh hoạt phí toàn khóa học.

Trong khi đó, Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31-12-2023 (có hiệu lực từ ngày ký) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 (Nghị định 81) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục cũng quy định các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê Nin, Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.

i4b-2142.jpg
Sinh viên ngành Răng hàm mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM trong giờ học thực hành

Ngoài ra, một số ngành được giảm 70% học phí, gồm: các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật như Nhạc công kịch hát dân tộc, Nhạc công truyền thống Huế, Đờn ca tài tử Nam bộ, Diễn viên sân khấu kịch hát, Nghệ thuật ca trù, Nghệ thuật biểu diễn dân ca...

Chính sách cho các ngành khoa học cơ bản

Những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký học các ngành khoa học cơ bản ngày càng giảm, trong khi đây là những ngành cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, nhiều trường đại học đã đưa ra các chương trình hỗ trợ học phí, cấp học bổng nhằm thu hút thí sinh ứng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản.

Theo PGS-TS Phạm Bảo Sơn, Phó giám đốc Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, hiện nay ĐHQG Hà Nội triển khai tặng học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản ở 2 trường thành viên là Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH-NV). Trong đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ học phí, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học, Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường ĐH KHXH-NV có 9 ngành được hỗ trợ học phí, gồm: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học.

Theo đó, ĐHQG Hà Nội sẽ miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học/sinh viên. Cùng với đó, ĐHQG Hà Nội cũng đề nghị các trường cân đối lại ngân sách nhằm phân bổ đồng đều, thống nhất mỗi ngành học cơ bản có 10% sinh viên được nhận học bổng nhằm thu hút sinh viên theo học.

Tương tự, PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, hiện nay ĐHQG TPHCM cũng có nhiều nỗ lực để hỗ trợ trong đào tạo đại học và sau đại học cho các ngành khoa học cơ bản. Hiện nay, các học viên cao học và nghiên cứu sinh theo học các ngành như Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin sẽ được xét cấp học bổng từ 25-75 triệu đồng/suất. Cùng với đó, ĐHQG TPHCM cũng hỗ trợ học bổng toàn phần năm đầu tiên cho 9 ngành học hệ đại học gồm Triết học, Tôn giáo học, Lịch sử, Địa lý, Thông tin - thư viện, Lưu trữ học… của Trường ĐH KHXH-NV.

Còn Trường ĐH Khoa học tự nhiên hiện dành 2 tỷ đồng học bổng cho 7 ngành khoa học phục vụ chiến lược quốc gia, gồm: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Từ nay đến năm 2026, chương trình “Ươm mầm tài năng toán và trí tuệ nhân tạo (AI)” của ĐHQG TPHCM cũng dành 25 tỷ đồng cấp học bổng cho học sinh, sinh viên, học viên sau đại học tài năng lĩnh vực toán học và AI; hỗ trợ kinh phí cho các nghiên cứu khoa học, dự án đổi mới phương pháp giảng dạy trong lĩnh vực toán học và AI của các nhà khoa học, thầy cô giáo, giảng viên trẻ.

Tin cùng chuyên mục