Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn
Trong tờ trình gửi UBND TPHCM về sửa đổi, bổ sung Kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022, Sở GD-ĐT TPHCM đã đề xuất 2 phương án là vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 vào ngày 16 và 17-8 hoặc chỉ tổ chức thi tuyển đối với tuyển sinh lớp 10 chuyên và xét tuyển đối với lớp 10 THPT công lập (sau khi đã tuyển lớp chuyên).
Đánh giá về 2 phương án, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng, phương án thi tuyển chỉ có thể triển khai nếu đảm bảo được an toàn phòng chống dịch Covid-19. Theo phân tích của Sở GD-ĐT TPHCM, với phương án thi tuyển, thuận lợi là công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã sẵn sàng, có thể triển khai ngay. Công tác tuyển sinh sau đó thuận lợi hơn do cách xét tuyển không thay đổi và có kinh nghiệm từ các năm trước.
Tuy nhiên, phương án này sẽ gặp khó trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc tập trung thí sinh tại 140 điểm thi sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý phụ huynh và học sinh, kể cả giáo viên coi thi và cán bộ chấm thi. Trong khi đó, với phương án kết hợp thi tuyển và xét tuyển, chỉ tổ chức 10 điểm thi chuyên sẽ thuận lợi hơn cho công tác tổ chức do số lượng thí sinh tham gia, nhân sự công tác nhỏ nên đảm bảo an toàn.
Nhà giáo Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) chia sẻ, trong tình hình hiện nay, phương án thi tuyển kết hợp xét tuyển là lựa chọn tối ưu bởi nếu chỉ xét tuyển sẽ không công bằng với học sinh, đặc biệt khiến các trường chất lượng cao, trường chuyên gặp khó khăn trong việc lựa chọn học sinh giỏi.
Đồng quan điểm, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Ngai bày tỏ, đối với trường chuyên, trường THPT có lớp chuyên, trường có tỷ lệ chọi cao nên tổ chức thi tuyển sẽ đảm bảo chất lượng học sinh, việc xét tuyển nên thực hiện với những học sinh còn lại.
Đại diện nhiều trường THCS cho biết, phương án xét tuyển có thể thực hiện theo địa bàn, dựa trên 3 nguyện vọng đã đăng ký trước đó. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo phương án này, Sở GD-ĐT TPHCM phải tính toán, xây dựng các tiêu chí xét tuyển rõ ràng, phù hợp, đảm bảo tỷ lệ học sinh được vào học lớp 10 công lập, hạn chế tối đa nguy cơ tiêu cực hoặc phát sinh khiếu nại.
Học sinh, phụ huynh lo lắng
Thông tin TPHCM đang cân nhắc phương án xét tuyển với lớp 10 thường khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng. Em Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 9, Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết, ngay từ đầu năm lớp 9, em và nhiều bạn trong lớp đã dồn sức 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ để thi tuyển. Nếu phương án xét tuyển lấy điểm trung bình môn cả năm lớp 9 sẽ khiến nhiều bạn “cười ra nước mắt” do không học đều các môn. Chưa kể, thang điểm đánh giá giữa các trường THCS khác nhau, có trường hợp học sinh chuyển trường giữa 4 năm học bậc THCS dẫn đến kết quả học tập của 4 năm lớp 6, 7, 8, 9 có sự chênh lệch.
Đây cũng là tâm trạng lo lắng chung của nhiều phụ huynh nếu thực hiện xét tuyển theo địa bàn. Bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều gia đình hiện nay không đủ điều kiện cho con học trường ngoài công lập nếu chẳng may không được vào lớp 10 công lập. Hiện, một số quận, huyện có số lượng học sinh lớp 9 lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập, chưa kể phát sinh học sinh không đăng ký thi tuyển lớp 10 THPT nhưng đăng ký bổ sung xét tuyển lớp 10 công lập.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, nếu tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, hiện nay có 4 phương án thực hiện gồm: Căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh của lớp 9 (điểm hạn chế của phương án này là tạo tâm lý so sánh điểm số do việc đánh giá năng lực của các trường THCS chưa đồng đều); Căn cứ tổng điểm trung bình cả năm 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh và điểm trung bình môn cuối năm lớp 9 (có thể đánh giá toàn diện năng lực học tập nhưng phương án này đòi hỏi học sinh phải học đều các môn); Căn cứ tổng điểm trung bình cả năm 3 môn Văn, Toán, Tiếng Anh của lớp 6, 7, 8, 9 (hội đồng tuyển sinh phải bổ sung cơ sở dữ liệu); Căn cứ tổng điểm trung bình môn cuối năm lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký (điểm xét tuyển không tương đồng với các môn thi theo thông báo tuyển sinh trước đó, hội đồng tuyển sinh phải bổ sung cơ sở dữ liệu).
Như vậy, dù chọn phương án nào thì công tác tuyển sinh vẫn cần được tuyên truyền, giải thích rõ ràng cho người học, tránh tạo tâm lý hoang mang, bức xúc trong dư luận.
Năm học 2021-2022, tổng thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 THPT công lập tại TPHCM là 83.324. Trong đó, đăng ký vào lớp 10 thường là 75.854 thí sinh, lớp 10 chuyên 6.485 thí sinh, lớp 10 tích hợp 985 thí sinh. Kỳ thi dự kiến diễn ra ngày 2 và 3-6, với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên kỳ thi chưa thể diễn ra sau 2 lần tạm hoãn. |