Tỷ giá tăng nhưng chưa có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ

Sau 8 phiên kể từ ngày Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD lần thứ 2 trong năm 2018 (tăng thêm 0,25% lên 1,75 - 2%/năm), tỷ giá trung tâm của NHNN Việt Nam tính đến ngày 25-6 đã được điều chỉnh tăng tổng cộng 37 đồng/USD (có thời điểm tăng đến 42 đồng/USD).

 

Giá USD tại ngân hàng ngày 25-6 đang ở mức 22.920 đồng/USD - cao nhất kể từ đầu năm 2017. Ảnh: HUY ANH
Giá USD tại ngân hàng ngày 25-6 đang ở mức 22.920 đồng/USD - cao nhất kể từ đầu năm 2017. Ảnh: HUY ANH
Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng tăng 55 đồng/USD chạm mức 22.925 đồng/USD - mức cao nhất kể từ đầu năm 2017 và giá USD trên thị trường tự do đã vượt trên 23.000 đồng/VND. Mặc dù vậy, các ngân hàng thương mại khẳng định hiện chưa có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ.

NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá

Sau một thời gian dài tỷ giá USD/VND được giữ ở mức ổn định, đây là đợt tăng mạnh nhất của tỷ giá kể từ đầu năm 2018 dù cung cầu trên thị trường không căng thẳng và dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang ở mức cao nhất từ trước đến nay với hơn 63 tỷ USD. 

Nhận định về biến động của tỷ giá USD/VND, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, chủ yếu là do ảnh hưởng từ biến động trên thị trường thế giới mà cụ thể là việc FED quyết định nâng lãi suất liên bang tham chiếu thêm 25 điểm %; đồng thời cơ quan này dự kiến nâng lãi suất thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm, thay vì 3 lần như dự báo trước đó. Chính động thái này của FED khiến đồng USD trên thị trường thế giới tăng giá mạnh và từ đó tác động đến tỷ giá trong nước. Ngoài ra, các yếu tố góp phần làm cho tỷ giá biến động thời gian qua là nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên sàn chứng khoán từ giữa tháng 4 và nguyên tháng 5. Cùng với đó, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu đã kích thích các ngân hàng mua vào ngoại tệ, gây sức ép lên tỷ giá. Mặc dù USD/VND tăng khá mạnh nhưng thực tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá tăng chưa đến 1%.
Tỷ giá tăng nhưng chưa có dấu hiệu căng thẳng ngoại tệ ảnh 1 Tỷ giá USD được điều chỉnh tăng  Ảnh: CAO THĂNG
 Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, việc NHNN tăng tỷ giá trung tâm thời gian qua là hợp lý vì thuận theo xu hướng khách quan của thế giới. Việc chủ động điều tiết giảm giá VND của NHNN nhằm góp phần đảm bảo lợi thế cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, so sánh tương quan thì mức tăng của tỷ giá trung tâm trong nước  ở mức 0,8%-0,9% vẫn thấp hơn hẳn so với mức tăng của USD Index trên thị trường thế giới, ở mức 2,6%. “Về tổng thể, mức tăng của tỷ giá dù liên tục nhưng biên độ còn khá nhỏ, dưới 1% nên chưa ảnh hưởng nhiều tới sự ổn định của kinh tế vĩ mô hiện nay” - vị này nhận định. Theo vị này, sở dĩ VND vẫn giữ được mức giá ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực là do thanh khoản USD khá dồi dào, dự trữ ngoại hối đã lên tới hơn 63 tỷ USD - tạo đệm đỡ tốt khi thị trường có biến động mạnh. 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, với cơ chế tỷ giá trung tâm, hiện NHNN điều chỉnh nhịp nhàng theo thị trường thế giới nên sẽ không có biểu hiện tăng nóng hay biến động sốc. Từ đầu năm  đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 0,9% là chưa đáng ngại. Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank - KimEng cho biết, FED liên tục tăng lãi suất khiến xu hướng USD trên thị trường tài chính quốc tế đang tăng rất mạnh và đẩy rất nhiều đồng tiền khác trên thị trường ngoại hối giảm mạnh. Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá như hiện nay là phù hợp với xu hướng quốc tế: giữ đồng VND không mất giá mạnh so với USD để duy trì cán cân thương mại, hỗ trợ DN và cũng không để VND tăng giá quá mạnh với những đồng tiền khác.  Về phía NHNN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trước đây, khi tỷ giá tăng, người dân hoặc DN đổ dồn đi mua ngoại tệ phòng xa cho các nhu cầu thanh toán, trả nợ trong tương lai nhưng nay những nhu cầu đó không còn dồn ép lên tỷ giá. Ông Minh cũng khẳng định, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn thông suốt, mọi nhu cầu chính đáng về ngoại tệ của người dân và DN đều được đáp ứng đầy đủ. Tỷ giá không có dấu hiệu căng thẳng. Chênh lệch giá USD trong ngân hàng thương mại và USD tự do cũng không quá cao, chỉ khoảng 180 - 200 đồng/USD. Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng, thông thường tỷ giá có xu hướng tăng dồn trong thời điểm cuối năm, nhất là từ đầu năm đến nay tỷ giá vẫn tăng chưa đến 1%. Về việc này, ông Minh cho rằng, NHNN không đưa ra thông điệp biến động định hướng của tỷ giá như trước đây mà sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá để có điều hành kịp thời. NHNN Việt Nam cũng cho biết sẵn sàng bán ra ngoại tệ nếu thị trường cần nhằm ổn định tỷ giá trong năm nay, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lãi suất cũng như lạm phát đạt được mục tiêu đề ra là 4%. Không ảnh hưởng dòng vốn ngoại  Chứng khoán là một kênh đầu tư khá nhạy cảm với các biến động của tỷ giá nên động thái tăng lãi suất của FED kéo theo tỷ giá USD/VND biến động khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ tác động đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới. Việc VN-Index giảm mạnh trong thời gian qua (VN-Index hiện đang rơi khỏi mốc 1.000 điểm sau khi lập đỉnh 1.200 điểm trong tháng 4-2018 - PV) có nguyên nhân do khối ngoại bán ròng hiện đang gây tâm lý bất an cho nhà đầu tư vì họ sợ dòng tiền có nguy cơ bị rút ra khỏi TTCK Việt Nam.  Theo đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng ACB, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường trong hơn 1 tháng gần đây do nhiều nguyên nhân: nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn cổ phiếu đã mua trong đợt điều chỉnh mạnh trước đó, các quỹ ETF tái cơ cấu trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tiến hành IPO và niêm yết trên TTCK như BSR, PV Power, PV Oil hay như VHM, TCB… Theo vị này, trong bối cảnh đồng USD trên thế giới tăng mạnh nên tỷ giá USD/VND cũng đã điều chỉnh tăng tương đối nhưng theo thống kê của Bloomberg, các đồng tiền trên thế giới giảm thê thảm, trong khi giá trị đồng nội tệ của Việt Nam khá ổn định. Rất nhiều thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil hay Nga… đã mất giá từ 10 - 25% so với USD tính từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trong nước giảm chưa tới 1% kể từ đầu năm. Dự báo từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng tỷ giá sẽ tăng tối đa khoảng 1% - 2% nên riêng yếu tố tỷ giá sẽ không đáng quan ngại cho TTCK Việt Nam trong thời gian tới.  Một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho biết, mặc dù khối ngoại bán ròng lớn trên TTCK Việt Nam nhưng tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng gần 31.000 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong năm 2018, tỷ giá sẽ không tăng quá 3% nên khó có khả năng nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt ra khỏi thị trường Việt Nam vì biến động tỷ giá.  Theo báo cáo này, đà bán ròng của khối ngoại có thể chậm lại trong thời gian tới và khối ngoại có thể quay trở lại mua ròng vào cuối năm nay để đón sóng kết quả kinh doanh tích cực của các DN niêm yết trong nửa cuối năm 2018.
Sau khi TTCK Việt Nam giảm sâu kể từ tháng 4-2018 thì đến nay, dòng tiền vào TTCK Việt Nam vẫn rất dè dặt. Thanh khoản những phiên gần đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên so với trung bình 10.000 - 12.000 tỷ đồng/phiên trong những tháng trước. Sự e dè này ngoài tâm lý sợ dòng tiền khối ngoại rút ra khỏi thị trường thì chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là những yếu tố tiêu cực tác động đến dòng tiền chảy vào TTCK hiện nay.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng, trong những tháng cuối năm, TTCK Việt Nam vẫn nằm trong xu hướng tăng tích cực, nhất là khi nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu mua ròng nhẹ trở lại sau một thời gian dài bán ròng.

Tin cùng chuyên mục