Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp ​

Trong 3 khu vực, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần do hoạt động “chuyển giá”, thì con số hơn 48% DNTN thua lỗ (so với hơn 16% thuộc khu vực Nhà nước) đã cho thấy rõ nét những khó khăn này.
PGS.TS Tô Trung Thành trình bày báo cáo nghiên cứu tại hội thảo
PGS.TS Tô Trung Thành trình bày báo cáo nghiên cứu tại hội thảo

Hội thảo quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2017 và triển vọng năm 2018 với chủ đề “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp” và công bố ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017” đã được Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay, 22-3.

Phát biểu tại Hội thảo, GS, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện sau những nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, giúp số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký tăng mạnh trong năm 2017, song khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012 và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Trong 3 khu vực, các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ thua lỗ cao hơn hẳn so với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Nếu doanh nghiệp FDI thua lỗ có thể một phần do hoạt động “chuyển giá”, thì con số hơn 48% DNTN thua lỗ (so với hơn 16% thuộc khu vực Nhà nước) đã cho thấy rõ nét những khó khăn này.

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh chưa như mong muốn nêu trên, PGS. TS Tô Trung Thành (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, tiếp cận tín dụng vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất. Ngoài thủ tục vay phức tạp thì rào cản về tài sản thế chấp; lãi suất cao và chi phí “lót tay”, quà tặng vẫn là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

Động thái mới đáng lưu ý là chi phí sử dụng lao động có xu hướng tăng nhẹ. Tỷ trọng chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn tăng đáng kể. Đánh giá tác động của hàng loạt chính sách mới được áp dụng từ năm 2018, chi phí lao động của doanh nghiệp năm nay có thể tăng lên 6,8%; làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp 11,4%.

Bên cạnh đó, mặc dù tương đối đầy đủ về số lượng, nhưng cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả về mặt chất lượng và kết nối, làm cho thời gian và chi phí vận chuyển tăng cao, trở thành một điểm nghẽn đối với quá trình tạo thuận lợi thương mại thay vì trở thành một trong những trụ cột để phát triển như kỳ vọng…

Các vấn đề như tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện CPTPP đến tổng quan kinh tế Việt Nam và những thách thức trong xoá bỏ các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân… cũng được phân tích, mổ xẻ tại cuộc hội thảo.

Tin cùng chuyên mục