Ứng dụng AI giải mã gene

Công ty Genetica vừa ký kết hợp tác với Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH - ở quận 2, TPHCM) và các nhà phân phối chính thức của Genetica ở Việt Nam đưa ra dịch vụ giải mã gene ứng dụng bằng trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ của Genetica có độ chính xác được khẳng định tối thiểu là 99%, hệ thống của Genetica hiện có thể xử lý tối đa 5.760 mẫu mỗi tuần…

Genetica là công nghệ giải mã gene ứng dụng AI, được phát triển bởi ông Cao Anh Tuấn, Tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Cornell, cựu thành viên của Google, cùng các tiến sĩ có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu về gene từ các trường đại học nổi tiếng tại Mỹ như Đại học Cornell, Đại học California ở San Francisco và Davis. 

Ứng dụng AI giải mã gene ảnh 1                       Công ty Genetica ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bệnh viện Quốc tế Mỹ . Ảnh: T.BA
Ông Cao Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Genetica tại Việt Nam, cho biết: “Hiện thực hóa hệ gene người Việt vào bản đồ gene thế giới là mục tiêu của tôi và cộng sự luôn đeo đuổi. Chính vì thế  chúng tôi đã quyết định đưa công nghệ giải mã gene ứng dụng AI Genetica về Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, một công nghệ giải mã gene bằng AI của Mỹ có mặt tại Việt Nam. Hơn nữa, công nghệ Genetica còn có sự kết hợp khoa học giữa dữ liệu người châu Á và AI; công nghệ này đã được chứng nhận bởi IIumina, tổ chức giải mã gene hàng đầu thế giới”. 

Genetica giải mã những thông tin di truyền tiềm ẩn trong bộ gene của con người để hiểu sâu hơn về cơ chế hoạt động của cơ thể. Theo đơn vị này, việc giải mã gene sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về hệ gene của mình; từ đó có hoạch định kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ một cách tối ưu nhất, giúp “cá nhân hóa” chế độ luyện tập và dinh dưỡng hiệu quả, phòng ngừa các căn bệnh tiềm ẩn, đặc biệt ung thư di truyền. 

Hiểu về mật mã của sự sống thông qua giải mã gene vẫn là giấc mộng lớn của giới chuyên môn. ADN được cấu thành từ 4 chữ cái đơn giản A, T, C và G; song để tạo nên một con người, cần 3 tỷ chữ cái đó hợp thành.

Trong khi đó, việc giải mã phổ biến ở các nước phát triển nhưng xu hướng này chưa được nhiều nước đang phát triển biết đến. Nên qua đây, ông Cao Anh Tuấn kỳ vọng người Việt nói riêng và người châu Á nói chung sẽ có bản đồ gene của mình. 

Được biết, việc phân tích gene là dùng DNA (Deoxyribo Nucleic Axit) có trong các tế bào của cơ thể con người để xác định các yếu tố di truyền như tiềm năng, thể chất, dinh dưỡng, nguy cơ bệnh trong mỗi người. Tuy nhiên, công nghệ Genetica không cần phải lấy máu để phân tích gene.

Thay vào đó, Genetica sử dụng bộ dụng cụ chuyên dụng (Saliva Collection Kit) để thu thập và bảo quản mẫu nước bọt. Mẫu nước bọt được bảo quản sau đó sẽ gửi qua Mỹ để tiến hành phân tích và giải mã gene ở phòng thí nghiệm Center of Advanced Technologies của Trường Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ.

Quy trình này được giám sát khắt khe với các quy chuẩn từ phòng Lab hàng đầu của Mỹ. Sau 6 - 8 tuần, kết quả của việc giải mã gene sẽ được chuyển giao đến người dùng.  

Tại buổi ra mắt vừa qua, Công ty Genetica cũng chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bệnh viện Quốc tế Mỹ và các nhà phân phối chính thức của Genetica ở Việt Nam (gồm Công ty TTHH D-Fit và Công ty cổ phần Y tế Thanh Chân, Genetica) giới thiệu 4 nhóm dịch vụ phân tích giải mã gene dành cho người châu Á, gồm Genetica 137 mã gene: hoạch định kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ; Genetica 77 mã gene: cá nhân hóa chế độ luyện tập thể chất; Genetica 85 mã gene: cá nhân hóa chế độ dinh dưỡng và Genetica 97 mã gene: sàng lọc 18 loại ung thư di truyền phổ biến tại châu Á.

Tin cùng chuyên mục