Ứng dụng Telehealth vào điều trị Covid-19

Dịch Covid-19 đang rất phức tạp khiến việc đi lại giữa các địa phương vô cùng khó khăn. Trong khi đó, với những người mắc các bệnh hiểm nghèo đang điều trị ở tuyến dưới, thì “thời gian vàng” hết sức quan trọng trong điều trị. Với sự phát triển nhanh và trợ giúp tích cực của hệ thống khám chữa bệnh từ xa - Telehealth, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống.

Các bác sĩ Đại học Y Hà Nội đang thăm khám và hội chẩn với bệnh viện tuyến dưới về một ca bệnh. Ảnh: VIẾT CHUNG
Các bác sĩ Đại học Y Hà Nội đang thăm khám và hội chẩn với bệnh viện tuyến dưới về một ca bệnh. Ảnh: VIẾT CHUNG

Xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm ngoái, lường trước được hoạt động khám chữa bệnh của người dân sẽ bị ảnh hưởng, Bộ Y tế phối hợp với Bộ TT-TT, Tập đoàn Viettel cùng các đơn vị chức năng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, trong đó tập trung đẩy mạnh Telehealth.

Bắt đầu từ tháng 6-2020 với cơ sở đầu tiên là Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau đó lan tỏa ra nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng, đến nay hệ thống Telehealth đã kết nối được hơn 1.500 điểm cầu trong toàn quốc.

Không chỉ bệnh viện tuyến trung ương kết nối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến tỉnh kết nối với tuyến huyện mà ở những vùng xa xôi, biên giới hải đảo như Cô Tô,  Mường Nhé, Côn Đảo, Bạch Long Vĩ cũng có thể kết nối Telehealth. 

Trước biến chủng Delta làm gia tăng rất nhanh số ca mắc Covid-19 tại phần lớn tỉnh thành trong cả nước, được sự cho phép của Chính phủ cùng sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế và Bộ TT-TT, chỉ trong hơn 2 ngày, các doanh nghiệp công nghệ Viettel, VNPT đã ra quân thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống Telehealth cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Đây là các cơ sở y tế cấp huyện chưa được kết nối với hệ thống theo danh sách do Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cung cấp. 

Từ việc kết nối tới tất cả bệnh viện tuyến huyện qua hệ thống Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã hội chẩn, tư vấn kịp thời các phương pháp điều trị, theo dõi, chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ (TPHCM), Bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa (Long An), Bệnh viện Thuận An (Bình Dương)…

Theo các y bác sĩ tại các điểm cầu, đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ. Đồng thời giúp các y bác sĩ tại các vùng sâu, vùng xa yên tâm, tự tin hơn trong điều trị bệnh nhân nặng.

Chi viện lực lượng từ xa 

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025, thông qua Telehealth, các bác sĩ, chuyên gia hàng đầu có thể tham gia hội chẩn, chữa trị, can thiệp kịp thời đối với các ca bệnh khó, giúp nắm bắt “thời gian vàng” trong điều trị, mang đến kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, cùng với các thầy thuốc trực tiếp chiến đấu, giành giật sự sống bên giường bệnh thì sự chi viện của các thầy thuốc giỏi ở mọi miền đất nước qua Telehealth cũng vô cùng quan trọng, góp phần vào việc điều trị thành công cho các bệnh nhân nặng. 

Ứng dụng Telehealth vào điều trị Covid-19 ảnh 1 Các chuyên gia hội chẩn và tư vấn khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Ảnh: VIẾT CHUNG

GS-TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, ngay sau khi khánh thành Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16, bệnh viện đã thiết lập hệ thống camera trung tâm có khả năng theo dõi bệnh nhân và các thiết bị hỗ trợ 24/7 kết nối với các trung tâm giám sát và điều hành, làm giảm gánh nặng cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.

Để hội chẩn các ca bệnh nặng tốt nhất, các y bác sĩ cũng nắm chắc phương pháp hội chẩn trực tuyến. Bệnh viện đã thiết lập hệ thống Telehealth kết nối trực tuyến với Bộ Y tế, Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bệnh viện Bạch Mai...

“Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 đặt tại Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 16 đảm bảo công tác theo dõi liên tục bệnh nhân cũng như công tác quản lý, điều hành, hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành từ Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai… Đồng thời hệ thống này sẽ là một kênh đào tạo hiệu quả của Bệnh viện Bạch Mai dành cho các nhân viên y tế tham gia chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam”, GS-TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu sở y tế các tỉnh thành chỉ đạo các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc phạm vi quản lý thực hiện nhiệm vụ được giao trong đề án, ưu tiên triển khai ngay kết nối Telehealth giữa các khoa, phòng trong bệnh viện và giữa bệnh viện với bệnh viện.

Các bệnh viện được giao nhiệm vụ Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 theo phạm vi phụ trách bằng các phương tiện thông tin thuận lợi nhất (mạng Viettel, VNPT, Zoom, Zalo, Viber, điện thoại...) để hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.

Đối với các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 tuyến dưới bố trí nhân lực, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền... và cử đầu mối liên hệ, kết nối ngay với các bệnh viện phụ trách vùng, quốc gia để được hướng dẫn, hội chẩn từ xa theo định kỳ và đột xuất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, sắp tới, tất cả các cơ sở y tế toàn quốc sẽ sử dụng sổ sức khỏe điện tử để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, từ đó cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân. Về lâu dài, sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh online cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào quản lý và khám chữa bệnh.

Tin cùng chuyên mục