Ngày 2-2, giới chức Thái Lan xác nhận ca nhiễm virus Zika đầu tiên ở nước này là một nam giới 22 tuổi ở thủ đô Bangkok. Xác nhận được thông báo chỉ không lâu sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế do virus Zika gây ra. Một loạt nước cũng đã khẩn cấp nâng mức báo động và triển khai các biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Chưa có cách điều trị
WHO tuyên bố sự gia tăng các ca dị tật bẩm sinh nghiêm trọng tại Nam Mỹ “rất có khả năng” do virus Zika gây ra và coi đây là yếu tố đủ để ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế trước nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu. Tuyên bố của WHO được đưa ra sau cuộc họp trực tuyến giữa Ủy ban Khẩn cấp thuộc WHO với đại diện các quốc gia có dịch và các chuyên gia trên toàn thế giới. Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết, tất cả chuyên gia đều nhận định nhiều khả năng tồn tại quan hệ nhân quả giữa virus Zika lây truyền từ muỗi và sự gia tăng các trường hợp trẻ sơ sinh bị hiện tượng đầu và não nhỏ bất thường.
Ngoài ra, cuộc họp trên còn xem xét tình hình lây nhiễm, sự phân bố về mặt địa lý của các loài muỗi có khả năng truyền virus Zika, việc thiếu vaccine phòng bệnh cùng nhiều vấn đề khác. Việc điều chế vaccine được coi là ưu tiên hàng dầu trong các biện pháp khẩn cấp nhằm đối phó với dịch bệnh nguy hiểm đang lan rộng ở Nam Mỹ. Hiện tại, chưa có vaccine hay phác đồ điều trị nào dành cho dịch bệnh này. Ngày 2-2, hãng dược phẩm nổi tiếng Sanofi của Pháp thông báo đã bắt đầu nghiên cứu và điều chế vaccine phòng virus Zika.
Phòng ngừa bằng nhiều cách
Ngày 2-2, các bang miền Bắc Australia nỗ lực triển khai ngăn ngừa virus Zika lây lan vào khu vực này. Chính quyền bang Queensland khuyến cáo người dân địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa virus Zika và rà soát xem có trường hợp nào nhiễm virus Zika tại các nước láng giềng như Papua New Guinea, cũng như các khu vực xung quanh ở eo biển Torres hay không trước khả năng các bang miền Bắc Australia sẽ trở thành con đường lây lan virus Zika do khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới tạo điều kiện cho loài muỗi mang mầm bệnh này sinh sôi.
Ngày 1-2, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho phép các nhân viên y tế và cảnh sát được quyền vào bên trong các trụ sở công cộng cũng như bất động sản của tư nhân để diệt muỗi cho dù chủ nhân không có mặt, trong trường hợp nghi ngờ có ổ muỗi Aedes - nguồn gây bệnh sốt xuất huyết, sốt rét vàng và virus Zika. Nhiều quốc gia khác trong khu vực như Colombia, Ecuador, El Salvador, Jamaica và Puerto Rico thậm chí còn cảnh báo phụ nữ không nên mang thai cho tới khi dịch bệnh này được kiểm soát. Cùng ngày, Mỹ cũng đã thêm American Samoa, Costa Rica, Curacao, và Nicaragua vào danh sách các quốc gia cảnh báo đi lại do lo ngại lây lan virus Zika.
Tuyên truyền phòng ngừa virus Zika ở Brazil
Theo thông báo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (eCDC), hiện đã có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận virus Zika xâm nhập. Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và cũng là quốc gia đầu tiên đưa ra cảnh báo hồi tháng 10-2015. Người đứng đầu WHO và Tổng Thư ký liên Mỹ Rebeca Grynspan kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống virus Zika do virus này đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nước Nam Mỹ .
Các nhà khoa học đang xem xét các nguyên nhân bùng phát virus Zika, trong đó có một nghi vấn lớn được đặt ra là sự liên quan mật thiết tới việc phát tán giống muỗi biến đổi gen có tên OX513A được sản xuất bởi Oxitec, một công ty sinh học của Anh có trụ sở tại Maryland, Mỹ. Tháng 7-2015, sau một thời gian ngắn thả muỗi biến đổi gen vào tự nhiên tại vùng Juazeiro, Brazil, Oxitec tự hào tuyên bố đã thành công trong việc loại trừ loài muỗi Aedes bằng cách giảm sự sinh sản của chúng lên tới 90%. Thế nhưng, cùng thời điểm này, virus Zika bắt đầu bùng phát tới mức không thể kiểm soát được. Mới tháng 5-2015, Brazil ghi nhận trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ đầu tiên, mà nay theo ước tính đã tăng lên đến 4.000 trường hợp. Và khi xem lại bản đồ phát tán muỗi biến đổi gen và bản đồ vị trí bùng phát dịch Zika, người ta phát hiện một sự tương đồng lớn. |
HẠNH CHI (tổng hợp)