Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ rõ, trong năm 2022 vẫn phải ưu tiên trước hết công tác kiểm soát dịch Covid-19. Song song đó là thực hiện từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, trọng tâm, trọng điểm đã được hội nghị thảo luận, thông qua.

Chiều 2-12, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 đã bế mạc sau phần phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 10. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phấn đấu tăng trưởng đạt 6%-6,5%

Chia sẻ về những nội dung được thông qua tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đã đề cập một số vấn đề trọng tâm.

Về vấn đề kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc lại, TPHCM đã trải qua năm 2021 rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19. Đến nay, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Qua giai đoạn này, nhiều kinh nghiệm cụ thể đã được rút ra, như khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội thì phải bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự.

Đặc biệt là phải tập trung bảo vệ hệ thống y tế và đội ngũ tuyến đầu, trước hết là y tế cơ sở, y tế cộng đồng; huy động tối đa năng lực y tế của thành phố, kể cả y tế tư nhân, bằng mọi cách không để quá tải.

Dù vậy, các đại biểu cũng chỉ ra những điểm sáng rất cần nghiên cứu, tìm nguyên nhân. Đó là bài học thành công trong gian khó, nhất là thu ngân sách nhà nước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định; nhiều doanh nghiệp thành lập mới, trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin.

Từ đó, hội nghị thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề của thành phố năm 2022 là: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Cùng với đó là việc thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt toàn hệ thống chính trị của thành phố sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%.

“Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng chúng ta có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực của đồng bào, đồng chí thể hiện khát khao hồi phục và phát triển kinh tế”, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ rõ, trong năm 2022 vẫn phải ưu tiên trước hết cho công tác kiểm soát dịch Covid-19. Song song đó là thực hiện từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội vững chắc, an toàn, trọng tâm, trọng điểm đã được hội nghị thảo luận, thông qua.

Vì thế, thành phố phải tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo trẻ em mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách... Trước mắt, chúng ta chuẩn bị các phương án kiểm soát đảm bảo an toàn với dịch trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2022.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI đã bàn và quyết định những vấn đề rất quan trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị - là một quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo của thành phố.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo hơn nữa, triển khai hiệu quả các nội dung trọng tâm, quan trọng đã được hội nghị thông qua. Qua đó nhằm tạo niềm tin, động lực mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2022, tạo đà cho các năm sau hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.

Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2 Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 10, ngày 2-12-2021. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù phát triển

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND TPHCM tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh đề án phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.

“Chúng ta cần nhận thức rõ, đây là cơ hội lớn mà thành phố phải tận dụng một cách hiệu quả nhất”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. Yêu cầu đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm 2022, mà trước hết ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng giữa TPHCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bí thư Thành ủy TPHCM cũng thông tin thêm về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Cụ thể, hội nghị đã thống nhất không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, trên cơ sở điều chỉnh thứ tự ưu tiên của một số nhiệm vụ để phù hợp với tình hình mới. Dẫu vậy, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt vẫn là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất lao động. Đặc biệt là việc sớm hoàn thành phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố đã bị chậm lại do đại dịch.

Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ảnh 3 Các đại biểu dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM lần thứ 10. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, qua thử thách chưa từng có trong ứng phó với đại dịch vừa qua, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm. Nhiều đồng chí không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh; tình nguyện ra tuyến đầu lúc “dầu sôi lửa bỏng”, suốt hàng tháng trời “chiến đấu” trong điều kiện hết sức khắc nghiệt của dịch bệnh và kiên cường, bền bỉ vượt qua.

“Từ trong gian khó, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vượt qua thử thách đã được phát huy”, đồng chí Nguyễn Văn Nên biểu dương và chia sẻ với bất cập giữa dân số với bộ máy quản lý, nhất là về y tế cơ sở trong tổ chức bộ máy đang tồn tại trên địa bàn thành phố.

Song, đồng chí cũng bày tỏ không hài lòng về một bộ phận cán bộ, thậm chí có cả cán bộ cốt cán thiếu trách nhiệm, tâm huyết, thiếu bản lĩnh và có biểu hiện tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ.

Vì vậy, đồng chí yêu cầu cần thực hiện tốt chủ đề về công tác xây dựng Đảng năm 2022 đã được hội nghị xác định. Đó là: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu phải tổ chức lại công tác đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn nữa, thực hiện nghiêm các quy trình công tác cán bộ; nâng cao chất lượng tham mưu và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu, xác định các vấn đề đặt ra trong thời gian tới, gồm: xây dựng, kết nối và sử dụng dữ liệu phục vụ phòng chống dịch Covid-19, điều hành kinh tế xã hội và quản trị thành phố... năm 2022, để thích ứng linh hoạt, TPHCM thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ. Trong đó, y tế là trụ cột hàng đầu, trọng tâm để đảm bảo an toàn cho phục hồi kinh tế, không phải là siết chặt các hoạt động. TPHCM tập trung phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và huy động các nguồn lực phát triển. 


Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM nhấn mạnh, năm 2022, HĐND TPHCM thực hiện Đề án nâng cao chất lượng công tác giám sát của HĐND TPHCM trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị. HĐND TPHCM chú trọng ban hành các chính sách đặc thù nhằm phòng chống dịch, phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; tập trung công tác cải cách hành chính, Đề án xây dựng đô thị thông minh, phát triển hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị; phát huy vai trò giám sát của các đại biểu Hội đồng nhân dân…
TPHCM không điều chỉnh chỉ tiêu chỉ để “đẹp báo cáo”

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, đối với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 5 năm 2021-2025, thành phố không thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM.
Ưu tiên kiểm soát dịch Covid-19 để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội ảnh 5 Đồng chí Nguyễn Văn Nên trao đổi cùng phóng viên tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo đồng chí, nếu điều chỉnh chỉ để đẹp báo cáo là đạt thì không cần thiết, mà thành phố sẽ giữ nguyên (các chỉ tiêu đó - PV) để cố gắng phấn đấu. “TPHCM không có nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu chỉ để hoàn thành”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TPHCM giải thích thêm, các chỉ tiêu đã đề ra rồi, bây giờ sửa tới sửa lui (trên giấy tờ) chỉ để cho thấy thành phố hoàn thành là không cần thiết. Mặc dù có khả năng thành phố sẽ không hoàn thành một số chỉ tiêu, nhưng với sức bật, khí thế và với khát khao ý chí hiện nay, thành phố cố gắng 200% khả năng và nếu dịch bệnh sớm ổn định, chắc chắn thành phố sẽ có tốc độ phát triển mạnh mẽ hơn.

Trả lời câu hỏi về tình trạng một số cán bộ bộc lộ hạn chế, thậm chí hèn nhát thì cần có giải pháp gì khắc phục, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho biết, thành phố sẽ đánh giá lại thực chất công tác cán bộ. Theo đó, TPHCM bắt đầu đề ra các tiêu chí, như việc đưa một cán bộ lên để đào tạo, phát triển thì người đó phải có một bảng báo cáo suốt 150 ngày chống dịch đã làm gì, tham gia những gì hay “núp” đi đâu... Tất cả các nội dung ấy phải được báo cáo.

Vì thế, TPHCM phải đánh giá lại, đánh giá trên cơ sở sản phẩm, công việc cụ thể, gắn đánh giá với thực hiện các quy trình theo công tác cán bộ, đảm bảo không hình thức. Từ kết quả đó, thành phố sẽ sàng lọc để đào tạo, quy hoạch, sử dụng cán bộ phù hợp.

Bí thư Thành ủy TPHCM nhận xét, lâu nay đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, trong đó có nguyên do chưa đủ cơ sở định lượng. Do đó, thành phố từng bước thực hiện, đánh giá cán bộ sao cho thực chất nhất.

Tin cùng chuyên mục