Hội nghị Y tế quốc tế

Vạch chiến lược toàn cầu chống dịch cúm gia cầm

Vạch chiến lược toàn cầu chống dịch cúm gia cầm

Khoảng 400 quan chức y tế và thú y từ nhiều nước đã có mặt tại Geneva (Thụy Sĩ) để tham dự một hội nghị quốc tế kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ hôm nay,  7-11, nhằm đề ra một chiến lược toàn cầu chống dịch cúm gia cầm và ngăn chặn nguy cơ virus cúm gia cầm chủng H5N1 biến thể gây đại dịch ở người. Theo kế hoạch, hội nghị cũng sẽ thảo luận việc thành lập các kho vaccin và thuốc điều trị ở các khu vực.
 
Phát biểu trước thềm hội nghị, điều phối viên Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về vấn đề cúm người và cúm gia cầm David Nabarro tỏ ý hy vọng hội nghị sẽ đưa ra một chiến lược phòng chống cúm chung cho toàn thế giới.

Vạch chiến lược toàn cầu chống dịch cúm gia cầm ảnh 1

Vietnam tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm

Theo ông Nabarro, một chiến lược như vậy đòi hỏi phải có sự đầu tư cho các dịch vụ về thú y, tăng cường sự giám sát dịch bệnh ở người, sự hợp tác trong lĩnh vực phát triển vaccin cũng như việc thương lượng với các công ty dược để được quyền tiếp cận các nguồn thuốc điều trị hiện có.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã có kế hoạch đóng góp 300 triệu yen cho Tổ chức y tế thế giới (WHO) trong năm 2006 để tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm như bệnh cúm gia cầm ở các nước đang phát triển.

Nhật Bản cũng đang xem xét việc mời các chuyên gia về cúm gia cầm ở các nước như Vietnam, Indonesia và một số nước khác đến Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nhật Bản để tham gia các khóa đào tạo chuyên môn vào đầu năm tới.

Trung Quốc vẫn tích cực triển khai các biện pháp dập tắt các ổ dịch tại huyện Hắc Sơn (tỉnh Liêu Ninh). Khoảng 6 triệu gia cầm đã được tiêu hủy trong khu vực có bán kính 3 km tính từ tâm điểm dịch. Chính quyền địa phương đang cho in những băng CD và những cuốn sách hướng dẫn cách phòng cúm để cung cấp cho người dân ở vùng có dịch bệnh.

Tại Bắc Kinh, việc xử phạt những hành vi cản trở công tác phòng dịch cho động vật đang được xúc tiến. Những người cản trở việc thực hiện quy định về phòng dịch sẽ bị phạt tạm giam hoặc phạt tiền. Tại thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên), nơi có nhiều chim di trú bay tới, chính quyền địa phương đã thiết lập 16 điểm giám sát chim di trú.

Việc tiêu khử nguồn lây bệnh ở các đầm phá có chim di cư tói đang được tiến hành, đặc biệt còn áp dụng biện pháp phun thuốc diệt khuẩn vào phân chim rơi trên mặt đất. Giới chức đặc khu hành chính HongKong đã phân phát vaccin cúm gia cầm miễn phí cho 250.000 hộ dân nơi đây.

Tại tỉnh Hồ Nam đã xuất hiện 3 trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân. Các chuyên gia y tế Trung Quốc không loại trừ khả năng những người này bị nhiễm virus H5N1 và đang tiến hành thêm các xét nghiệm.
 
Mạng điện tử "Kompas" trước đó một ngày (6-11) đưa tin, Indonesia hiện là quốc gia có số bệnh nhân bị nghi nhiễm cúm gia cầm cao nhất thế giới. Tính đến ngày 1-11 đã có tổng cộng 143 trường hợp bị nghi mắc bệnh cúm gia cầm ở Indonesia.

Báo "Bưu điện Bangkok" ngày 7-11 đưa tin Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch ngăn chặn trong trường hợp xảy ra thảm họa cúm gia cầm, trong đó huy động cả Bộ quốc phòng và cảnh sát tham gia.

Tại Malaysia, các nhà chức trách nước này đã loại trừ khả năng cúm gia cầm là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chim bồ câu chết hàng loạt trong những ngày cuối tuần vừa qua . Đến nay, ở Malaysia vẫn chưa xuất hiện trường hợp cúm gia cầm nào.

L.D (TTXVN & AFP)

Tin cùng chuyên mục