>> VAFI tiếp tục chất vấn về việc bổ nhiệm cán bộ tại Bộ Công thương
Chiều 15-8, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, Bộ Công thương đã có phản hồi với VAFI về những kiến nghị xung quanh công tác nhân sự của bộ này.
Tất cả vẫn đúng quy trình?
Theo diễn giải của Bộ Công thương, tháng 1-2011, ông Vũ Quang Hải được giới thiệu giữ chức Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) theo chế độ chuyên trách. Theo báo cáo của PVN, việc cử và giới thiệu ông Vũ Quang Hải làm người đại diện phần vốn, ủy viên HĐQT và tổng giám đốc PVFI là đúng quy định tại quy chế quản lý người đại diện của Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) - đơn vị được PVN ủy thác quản lý phần vốn tại PVFI. Cũng theo PVN, chưa có cơ sở để khẳng định ông Vũ Quang Hải đã gây thua lỗ 220 tỷ đồng cho PVFI trong thời gian làm tổng giám đốc PVFI. Ông Vũ Quang Hải cũng không bị kỷ luật tại PVFI.
Liên quan đến việc tiếp nhận, cử làm kiểm soát viên (KSV) và bổ nhiệm hàm Phó Vụ trưởng đối với ông Vũ Quang Hải, Bộ Công thương cho biết, căn cứ nhu cầu công tác của Cục Xúc tiến thương mại và đơn xin việc của ông Vũ Quang Hải, ngày 29-5-2013, Bộ Công thương (Cục Xúc tiến thương mại) đã tuyển dụng theo quy trình xét tuyển công chức và bổ nhiệm ông Hải giữ chức trưởng phòng, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại. Ông Vũ Quang Hải là 1 trong 20 cán bộ được bộ cử làm KSV (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) tại các tập đoàn, tổng công ty thuộc bộ, trong đó, ông Hải làm KSV kiêm nhiệm tại Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Các KSV này chỉ mang hàm phó vụ trưởng, không hưởng phụ cấp chức vụ và cũng không tham gia điều hành với tư cách phó vụ trưởng tại bất cứ đơn vị nào của bộ. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng thừa nhận, qua rà soát, bộ này nhận thấy quá trình tuyển dụng và bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải làm KSV còn có sai sót. Đồng thời cho biết, đang tiếp tục kiểm tra, đánh giá để có những biện pháp xử lý phù hợp với các quy định pháp luật.
Về quá trình tiếp nhận ông Vũ Quang Hải về làm thành viên hội đồng quản trị và phó tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bộ Công thương cho biết, ông Vũ Quang Hải được Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương nhất trí điều động về công tác tại Sabeco để tăng cường nguồn cán bộ trẻ và giới thiệu tham gia hội đồng quản trị. Thực hiện nghị quyết của ban cán sự, xét đề nghị của bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco, ngày 4-2-2015, Bộ Công thương đã quyết định đồng ý điều động ông Vũ Quang Hải đến nhận công tác tại Sabeco và giao bộ phận đại diện vốn nhà nước tại Sabeco giới thiệu tham gia hội đồng quản trị. “Bộ Công thương không giao ông Vũ Quang Hải làm người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco” - văn bản số 7047 của Bộ Công thương cho biết.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, điều lệ tổ chức của Sabeco... thẩm quyền bổ nhiệm chức phó tổng giám đốc Sabeco thuộc hội đồng quản trị. Theo báo cáo của Sabeco, sau khi ông Hải về nhận công tác, Sabeco đã thực hiện trình tự, thủ tục bầu ông Vũ Quang Hải vào HĐQT bằng phiếu xin ý kiến cổ đông và hội đồng quản trị Sabeco đã bổ nhiệm ông Hải giữ chức phó tổng giám đốc Sabeco, phù hợp với các quy định nói trên.
Thoái vốn, niêm yết vẫn chưa có thời hạn
Về việc chuyển giao, thoái vốn và niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của Sabeco, Bộ Công thương đã tập trung vào một số điểm mà VAFI kiến nghị. Cụ thể, về việc chuyển giao Sabeco sang Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), bộ này cho biết, theo nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của SCIC, Sabeco không thuộc đối tượng phải chuyển giao sang SCIC sau cổ phần hóa mà việc chuyển giao này sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Còn về việc thoái vốn, trong các năm 2012, 2015, 2016, Bộ Công thương đã 4 lần báo cáo Thủ tướng các phương án thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, nhưng văn bản này cũng chỉ nói chung chung là: “Bộ Công thương sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này”.
Còn về việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, Bộ Công thương giải thích, do các năm qua, bộ này tập trung vào việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco với tinh thần là khi thoái vốn sẽ xin phép Chính phủ cho niêm yết ngay trên sàn chứng khoán. Vì vậy, tới nay, Sabeco vẫn chưa thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch. “Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhận thấy, việc chậm xin phép Chính phủ cho Sabeco niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán là chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời gian tới, bộ sẽ báo cáo Chính phủ xem xét cho Sabeco được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM”, văn bản do Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa ký cho biết.
Phản hồi với Báo SGGP về văn bản Bộ Công thương gửi, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI, nhận xét, văn bản này “hầu như không tiếp thu gì!”. Ví dụ đầu tiên là việc bà Hồ Thị Kim Thoa là người ký các quyết định liên quan đến ông Vũ Quang Hải tại Sabeco nhưng cũng lại là người ký văn bản trả lời thì không khách quan, minh bạch được. Về việc niêm yết, thoái vốn, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước đã yêu cầu các bộ chủ quản phải đôn đốc thực hiện việc này nhưng văn bản của Bộ Công thương lại “đá ngược bóng lên Thủ tướng Chính phủ”. Bộ Công thương cũng không đề cập đến những thời điểm cụ thể của việc thoái vốn, niêm yết là chưa đúng quy định, thỏa đáng với những yêu cầu chính đáng của thị trường, nhà đầu tư.
Cũng theo đại diện VAFI, xung quanh việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải có dấu hiệu trái Luật Doanh nghiệp và Luật Phòng, chống tham nhũng, vì vậy, VAFI sẽ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thanh tra Chính phủ là các cơ quan soạn thảo văn bản luật liên quan “xem họ có ý kiến ra sao”.
NGỌC QUANG