Văn bằng “chỉ để cho đẹp” cũng là lãng phí lớn

Sáng 26-7, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, khi thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 ở hội trường, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng, trong nhiều loại tiết kiệm thì tiết kiệm thời gian là hết sức quan trọng.
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chính Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chính Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

“Ngay trong công tác phân bổ và sử dụng ngân sách, việc tăng cường phân cấp cho địa phương; tránh phải “xin - cho”, đồng thời với nâng cao năng lực, khả năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm của các cấp, ngành chính là một hình thức tiết kiệm hiệu quả nhất”, ĐB Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) kiến nghị, tăng cường tính cạnh tranh giữa chính quyền các địa phương là một giải pháp tốt trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí. ĐB phân tích: “Vừa qua, cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã thúc đẩy các tỉnh thành nâng cao hiệu quả hoạt động. Tới đây đề nghị các bộ nghiên cứu, phối hợp xây dựng bộ chỉ số hiệu quả sử dụng ngân sách cho từng lĩnh vực cụ thể (như giao thông, y tế, giáo dục…), để các địa phương cùng nỗ lực phấn đấu, học hỏi những mô hình tốt”.

Thẳng thắn nhận định rằng báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí “nói kỹ về tiết kiệm mà còn nhẹ về lãng phí”, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phản ánh, cử tri bức xúc nhất về tình trạng lãng phí trong đầu tư công. Việc giải ngân chậm, công trình chậm tiến độ đã là lãng phí, nhưng còn ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội khác, đó là một sự lãng phí kép. Ông Cường nêu rất nhiều biểu hiện của sự lãng phí trong đầu tư như đường đào lên lấp xuống nhiều lần; nhiều cơ quan có trụ sở mới vẫn không trả trụ sở cũ, làm mất cơ hội sử dụng tài sản đó tốt hơn; các “đại dự án” thua lỗ nhiều năm không được giải quyết dứt điểm… Đặc biệt, trong sử dụng nhân lực, ĐB Cường nhận định, việc yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức theo học đủ thứ bằng cấp chứng chỉ không cần thiết là hết sức lãng phí.

Chia sẻ quan điểm này, các ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên)… đều lưu ý, có rất nhiều dạng lãng phí không thể đong đếm như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ. ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu: “Văn bằng, chứng chỉ không hợp lý, gây ra tình trạng “đua” nhau đi học. Học ngoại ngữ là phục vụ công việc thì hết sức cần thiết chứ không phải có ngoại ngữ để làm cho bằng cấp đẹp”.

“Tiết kiệm, chống lãng phí cần phải trở thành thói quen, nếp sống của từng cá nhân trước khi là yêu cầu của một cán bộ, công chức, một cơ quan. Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành một quốc sách và để làm được thì phải bắt đầu từ giáo dục, ngay từ cấp mầm non”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục