
Ngày 25-10 - ngày làm việc thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu QH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (gồm 10 chương, 70 điều) và dự thảo Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) phát biểu góp ý Dự thảo Luật Hóa chất. Ảnh: MINH ĐIỀN
So với dự thảo cũ, dự thảo Luật Hóa chất lần này không chỉ đề cập đến hành vi trong lĩnh vực hóa chất mà còn điều chỉnh cả các chủ thể (tổ chức, cá nhân) tham gia hoạt động hóa chất. Dự thảo mới đặc biệt coi trọng việc bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất; cất giữ hóa chất nguy hiểm; cung cấp thông tin về hóa chất độc, hóa chất nguy hiểm. Đặc biệt, dự thảo mới đã xây dựng thêm hẳn một chương (Chương VI) về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khôi Nguyên (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), những vấn đề về môi trường cũng đã được cân nhắc, lồng ghép xuyên suốt dự thảo luật.
Phát biểu tại nghị trường, ĐB Lê Văn Điệt (Vĩnh Long) đề nghị quy định cụ thể hơn và có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi sử dụng bừa bãi các loại hóa chất gây hại trong sản xuất thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông) cũng cho rằng, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu qua biên giới là một nguy hiểm rất lớn cho sức khỏe của cộng đồng mà dự án luật chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Theo ông, luật cần quy định sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, lực lượng chức năng để ngăn chặn dòng hóa chất nguy hại này “chảy” vào nước ta.
ĐB Điểu Điều (Bình Phước) và một số ĐB khác thì lại rất băn khoăn về việc bảo đảm an toàn hóa chất trên đường vận chuyển. Ông nhấn mạnh: “Đã từng có kinh nghiệm đau xót về chuyện này, tôi đề nghị có quy định phương tiện vận chuyển hóa chất phải có ký hiệu riêng và những nguyên tắc vận hành riêng để dễ dàng xử lý khi xảy ra sự cố, người dân cũng dễ dàng nhận biết để phòng ngừa, tránh hậu quả không đáng có”.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi về quy định “lấy ý kiến nhân dân trong khu vực dự kiến xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất” thì ai có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến, tập hợp ý kiến theo cách nào, sau khi thu thập thì xử lý ra sao?… Ông đề xuất siết chặt những quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư và cơ quan có chức năng về thẩm định quy hoạch và công nghệ của các dự án sản xuất, kinh doanh hóa chất.
Xóa “chồng chéo” quản lý chất lượng hàng hóa
Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - ông Đặng Vũ Minh đã trình bày trước Quốc hội báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hiện còn có khá nhiều ý kiến trái ngược nhau - ông Đặng Vũ Minh cho biết. Qua nghiên cứu các ý kiến trên, UBTVQH nhận thấy, việc giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là quy định rõ một đầu mối chịu trách nhiệm.
Sự tiếp thu này nhận được khá nhiều ý kiến đồng tình của các ĐBQH. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng: Cơ quan kiểm tra nên là cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc bộ quản lý chuyên ngành, UBND tỉnh làm theo phân cấp và phải chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao. Đại biểu Nguyễn Thị Khá nhấn mạnh, trong thời gian qua, vấn đề quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực thường chồng chéo hoặc bị bỏ ngỏ. Ví dụ, vấn đề sản xuất rau an toàn, trong sản xuất thuộc lĩnh vực nông nghiệp, khi đưa vào lưu thông thì nó thuộc lĩnh vực thương mại, đặc biệt khi bị ngộ độc thì thuộc lĩnh vực y tế. Vì vậy, để thống nhất quản lý, Nhà nước điều hành, chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan giúp Chính phủ quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước thì nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ là hợp lý.
Quan tâm đến nghĩa vụ của người sản xuất, người nhập khẩu và người bán hàng, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nêu vấn đề: người tiêu dùng hiện rất quan tâm và rất bất bình trước tình trạng thông tin quảng cáo về chất lượng hàng hóa thường không đúng với chất lượng thực tế của hàng hóa đó, làm cho người tiêu dùng bị lừa dối và khi mua rồi thì “tiền mất tật mang”. Vì vậy, đại biểu Hoa Ry đề nghị bổ sung vào nghĩa vụ của người sản xuất, người nhập khẩu, người bán hàng phải có trách nhiệm thông tin trung thực về chất lượng hàng hóa trên nhãn hàng hóa, bao bì, trong tài liệu kèm theo và trên phương tiện thông tin đại chúng khi quảng cáo về hàng hóa của mình.
Bức xúc hơn, đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) đề nghị, phải đưa quy định truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu tổ chức vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa vào khoản 2, Điều 66 mục xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Anh Thư - Đinh Lan