
Không phải vô cớ mà hầu hết các quốc gia có nền du lịch phát triển đều đưa ngành du lịch chịu sự quản lý của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Đi chùa ngày Xuân
Dù biết rõ du lịch là một ngành công nghiệp không khói, là chuyện doanh thu lời lỗ, nhưng trên sự tính toán lời lỗ ấy, phải hiểu động lực nào có khả năng níu giữ được trái tim người nước ngoài đến với đất nước mình và gây được những ấn tượng không quên để người ta không chỉ đến một lần…
Nhà cửa phố xá, xe cộ, vũ trường, quán bar và các nơi vui chơi giải trí là thứ có thể tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Cảnh đẹp thiên nhiên là một trong những yếu tố quyến rũ du khách, nhưng nếu chỉ ngắm cảnh mà không biết cái gì ẩn chứa đằng sau nó thì cảnh ấy chỉ còn là xác mà thiếu mất phần hồn, không làm sao quyến rũ được lòng người. Chính cái hồn đó là văn hóa của một dân tộc, là những di sản ngàn năm, là nền nghệ thuật truyền thống, là nghệ thuật ẩm thực đặc trưng của từng quốc gia…
Nghĩa là tất cả những cái mà du khách không thể tìm thấy ở đâu trên đất nước họ. Và chính những nét mới lạ trong bầu không khí xưa cổ ấy mới có khả năng cuốn hút, mời gọi du khách. Cũng như bất cứ một quốc gia châu Á nào, Việt Nam khó thể cạnh tranh với Trung Quốc về di sản văn hóa đồ sộ của họ, nhưng mỗi dân tộc đều có nét đặc thù và du khách sẽ đến với chúng ta chính vì cái riêng ấy.
Tuy nhiên, chính chúng ta đã không biết giữ gìn cái riêng cho mình, ngay cả những gì ta có trong tay chứ không phải tạo dựng lên, ví như các cung điện, lăng tẩm ở Huế. Không so sánh với Tử cấm thành của Trung Quốc hay cung điện Versailles của Pháp, nhưng so với các nước lân cận, nếu biết giữ gìn thì Huế đâu có heo hút đến mủi lòng như hiện nay. Vì sao được sự hỗ trợ của UNESCO mà sự phục hồi của Huế ngày càng tang thương đến thế.
Người ta sử dụng tiền tôn tạo để nhuộm màu sắc sặc sỡ các cung điện như đình miếu, nhưng bên cạnh đó thì các “vườn thượng uyển” chỉ toàn cỏ dại và các hào thành thì bạt ngàn rau muống?! Có thể hiểu được tâm trạng của du khách khi đến Huế nếu như họ đã từng viếng thăm cố cung Kyongbokkung của Hàn Quốc hay cung điện Hoàng gia ở Thái Lan… Hàn Quốc đã biết giữ chân du khách bằng những chú lính gác thành trong trang phục cổ ngay từ cổng thành vào cung điện và những buổi thiết triều với đầy đủ vua quan như thật ở cố cung của họ, việc ấy có khó gì với ta, vì sao ta không làm được?
Tất cả những điều đó tựu trung là vì chúng ta đã làm du lịch mà không hề chú trọng đến yếu tố văn hóa. Cũng như trong các tour du lịch của Trung Quốc, Hàn Quốc và hầu hết các nước trên thế giới, bao giờ du khách cũng được tận hưởng một buổi tiệc trình diễn nghệ thuật truyền thống của họ.
Còn Việt Nam thì cứ ì ạch mãi, chỉ mỗi việc phúc khảo những trích đoạn tuồng, cải lương để đưa vào văn hóa du lịch mà mãi vẫn chưa xong. Chúng ta kêu gọi du khách đến với ta, nhưng chúng ta đã làm gì để níu chân họ lại? Câu hỏi ấy nhiều năm qua vẫn chưa có một lời đáp.
BÍCH CHÂU