Vẫn lo ngại vaccine “5 trong 1”

Với việc Công ty cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn (VTTHYTSG) nhận cọc để tiêm vaccine dịch vụ phối hợp “5 trong 1” khi chưa được cấp phép đang dấy lên một nỗi lo “đặt cược” sức khỏe, tính mạng con trẻ. Qua đó cũng thấy rằng, người dân đang băn khoăn về việc phải tiêm vaccine gì hay bỏ mặc chuyện phòng bệnh? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Y tế ở đâu trong vụ việc này?
Vẫn lo ngại vaccine “5 trong 1”

Với việc Công ty cổ phần Vật tư tiêu hao y tế Sài Gòn (VTTHYTSG) nhận cọc để tiêm vaccine dịch vụ phối hợp “5 trong 1” khi chưa được cấp phép đang dấy lên một nỗi lo “đặt cược” sức khỏe, tính mạng con trẻ. Qua đó cũng thấy rằng, người dân đang băn khoăn về việc phải tiêm vaccine gì hay bỏ mặc chuyện phòng bệnh? Trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Y tế ở đâu trong vụ việc này?

Tiêm chủng cho trẻ tại một cơ sở y tế

Thiếu thật hay ảo?

Sau “sự cố” Công ty VTTHYTSG trương băng rôn và thu tiền đặt cọc để tiêm vaccine dịch vụ “5 trong 1” bị phanh phui, dư luận đặt câu hỏi liệu đó là tự phát để trục lợi trước sự khan hiếm vaccine và nhu cầu của người dân hay có sự tiếp tay. Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, Công ty VTTHYTSG có hợp đồng mua 230 liều vaccine “5 trong 1” Pentaxim của hãng Sanofi-Pasteur (Pháp) từ Công ty GTH ở Hà Nội. Giá bán lên tới 2 triệu đồng, gấp 3 lần giá kê khai mà Bộ Y tế cho phép. Trả lời báo giới, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược,  cho biết giá vaccine “5 trong 1” Pentaxim được kê khai chỉ 630.000 đồng/liều. Thực tế, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đang hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị cấp phép lưu hành 40.000 liều vaccine Pentaxim nhập khẩu. “Hiện nay, các mẫu vaccine đã gửi đi kiểm định chất lượng. Khoảng sau 2 tuần nữa có kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng sẽ cho tiến hành tiêm”, một lãnh đạo Cục Quản lý dược cho biết. Như vậy, sự thật là sẽ có vaccine trong đầu tháng 1-2016 tới và “nắm được cuộc chơi” nên Công ty VTTHYTSG đã “đi đêm” chạy trước với các đối tác để nhằm trục lợi (!?).

Điều này, theo các chuyên gia y tế, cần xem xét trách nhiệm liên quan của nhà nhập khẩu, nhà cung cấp độc quyền vaccine “5 trong 1” Pentaxim có phân bổ hợp lý, đúng luật hay không?

Từ đầu năm đến nay, tình trạng vaccine tiêm chủng dịch vụ cho trẻ em luôn khan hiếm, nhất là vaccine “5 trong 1”, “6 trong 1”, thủy đậu Varivax. Thậm chí như vaccine “6 trong 1”, phụ huynh nào đã lỡ chích mũi một cho con hay muốn chích loại này thì phải ra nước ngoài. Nguyên do, theo Cục Quản lý dược là trục trặc bởi nhà cung cấp từ nước ngoài! Tuy nhiên, đây là thiếu thật hay cố tình gây thiếu ảo để tạo ra những kẽ hở cho các đầu nậu, cơ sở y tế làm ăn? Theo Bộ Y tế, trong năm 2015, lượng vaccine nhập khẩu, cụ thể là vaccine “5 trong 1” để tiêm dịch vụ chỉ bằng 10% - 15% số đặt hàng. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong năm 2016 vẫn tiếp tục khan hiếm vaccine dịch vụ bởi các công ty sản xuất ưu tiên cho các đơn hàng lớn lâu năm của các nước khác!

Đừng bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh

Trong khi đó, Bộ Y tế luôn khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR), cụ thể là vaccine “5 trong 1” Quinvaxem mà Việt Nam đã được tài trợ miễn phí. Tuy nhiên, với hàng loạt phản ứng sau tiêm, loại vaccine này đang khiến người dân vô cùng quan ngại, nếu không nói là “ám ảnh”, “hoảng sợ”! Liên tiếp trong các năm qua xảy ra các trường hợp tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem ở nhiều địa phương. Năm 2013, Bộ Y tế đã cho tạm dừng tiêm loại vaccine này, sau một thời gian “tạm lắng” đã cho dùng lại. Và tất cả những kết luận của ngành y tế sau các trường hợp tử vong đều “không liên quan đến vaccine Quinvaxem”.

Trả lời báo giới mới đây về việc sử dụng vaccine Quinvaxem, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng loại vaccine trên (có thành phần ho gà toàn tế bào) đã sử dụng gần 10 năm tại 94 nước với gần 450 triệu liều, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thẩm định và đánh giá hiệu quả trong sử dụng. Việc tiêm vaccine Quinvaxem đúng lịch (từ 2 tháng tuổi) và đủ liều (3 mũi trong vòng 6 tháng đầu) sẽ giúp giảm tỷ lệ các phản ứng cho trẻ và tăng hiệu quả phòng bệnh. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cho rằng vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim có thành phần ho gà vô bào nên ít phản ứng hơn. “Việc chuyển đổi từ sử dụng ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào đã được nhiều nước triển khai”, một chuyên gia y tế cho biết. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng việc chuyển đổi này cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine cho các liều tiêm nhắc cũng như chiến lược tiêm cho các bà mẹ mang thai.

Theo Bộ Y tế, trước mắt việc phòng bệnh cho trẻ vẫn là cần thiết. “Qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn”, PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết. Với việc trông chờ vaccine dịch vụ, hậu quả là nhiều trẻ mắc bệnh do không được tiêm chủng đúng lịch. Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm Dự án TCMR, kết quả đánh giá nguyên nhân các phản ứng sau tiêm vaccine trong chương trình TCMR trong thời gian qua đều cho thấy không liên quan đến chất lượng vaccine, mà chủ yếu là do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác sẵn có của trẻ tại thời điểm sau tiêm chủng. Tuy nhiên, không có vaccine nào là an toàn 100%.

Do đó, để giảm thiểu các nguy cơ phản ứng sau tiêm, khi đưa con đi tiêm chủng, các bà mẹ cần mang theo sổ tiêm chủng của trẻ và thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như tiền sử quá trình sinh đẻ, bệnh tật, tiêm chủng của trẻ, đặc biệt lưu ý các  phản ứng mạnh với lần tiêm  trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, nôn trớ, phát ban, sưng nề vùng tiêm... để có chỉ định tiêm vaccine phù hợp.

Siết chặt quản lý tiêm chủng dịch vụ

Ngày 18-12, phản ứng trước việc một số tổ chức, cá nhân lợi dụng sự khan hiếm của vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” để trục lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêm chủng và lợi ích của người dân, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành trong cả nước tăng cường công tác quản lý hoạt động tiêm chủng dịch vụ. Trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Bộ Y tế và đặc biệt quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thực hiện tiêm chủng, tiếp nhận, cấp phát và bảo quản vaccine, vật tư tiêm chủng đúng quy định, tuyệt đối không sử dụng vaccine không rõ nguồn gốc. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vaccine tiêm chủng dịch vụ. Tăng cường công tác truyền thông nhằm khuyến khích người dân thực hiện tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch đối với các vaccine trong Chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo, người dân cần phải rất cảnh giác trước những thông tin về vaccine dịch vụ “5 trong 1” và “6 trong 1” như Pentaxim và Infanrix Hexa được rao bán trôi nổi trên thị trường trong thời gian qua vì Bộ Y tế nghiêm cấm việc buôn bán vaccine ngoài thị trường. Bởi lẽ vaccine không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình rất dễ xảy ra phản ứng sau tiêm. Nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nên khi xảy ra phản ứng thì rất nguy hiểm.

Trong khi đó, liên quan đến giá vaccine dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim  đang được nhiều người quan tâm, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, Bộ Y tế đã cho nhập khẩu 40.000 liều vaccine Pentaxim, trong đó dự kiến phân phối 15.000 liều cho các địa phương miền Bắc và 25.000 liều cho miền Nam. Các cơ sở nhập khẩu đã gửi mẫu đi kiểm định và sẽ có kết quả vào cuối tháng này. Ông Đông cũng cho biết, Cục Quản lý Dược đã cử các đoàn thanh kiểm tra một số địa phương về tiêm chủng dịch vụ cho thấy, các địa phương đã tuân thủ chế độ giá kê khai của Cục Quản lý Dược (giá là 630.000 đồng/liều vaccine Pentaxim). Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược vẫn yêu cầu các Sở Y tế địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với bất kỳ cơ sở tiêm chủng nào bán sai giá đã công bố với cơ quan chức năng.

NGUYỄN QUỐC

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục