Vẫn thận trọng với cây trồng biến đổi gen

“Mục tiêu của Việt Nam là giảm nhập nông sản mà mình có thể sản xuất được để tiết kiệm ngoại tệ. Nhưng với diện tích đất canh tác ngày càng nhỏ hẹp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, Việt Nam chỉ còn một con đường cách mạng khoa học công nghệ lần 2, tạo nên những giống cây trồng biến đổi gen (CTBĐG) chịu khô hạn, sâu bệnh…”. đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo “Công nghệ sinh học Việt Nam: Hướng phát triển cho tương lai” diễn ra mới đây tại TPHCM…
Vẫn thận trọng với cây trồng biến đổi gen

“Mục tiêu của Việt Nam là giảm nhập nông sản mà mình có thể sản xuất được để tiết kiệm ngoại tệ. Nhưng với diện tích đất canh tác ngày càng nhỏ hẹp, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra, Việt Nam chỉ còn một con đường cách mạng khoa học công nghệ lần 2, tạo nên những giống cây trồng biến đổi gen (CTBĐG) chịu khô hạn, sâu bệnh…”. đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo “Công nghệ sinh học Việt Nam: Hướng phát triển cho tương lai” diễn ra mới đây tại TPHCM…

Cẩn trọng là cần thiết

Hiện nay, ba cây trồng biến đổi gen hiện có mặt tại Việt Nam là lúa, bắp và bông. Trong một số mẫu bắp biến đổi gen (mang gen BT) được trồng lẫn với bắp bình thường tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định có hiện tượng trội gen. Đáng lưu ý, các giống bắp mới này trên đồng ruộng Việt Nam được một số công ty nước ngoài, thông qua trung gian, đưa trực tiếp cho nông dân trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Một ruộng bắp biến đổi gen tại Việt Nam.

Một ruộng bắp biến đổi gen tại Việt Nam.

Việt Nam cho phép trồng cây biến đổi gen và đẩy mạnh phát triển loại thực vật, động vật này, điều này thể hiện rõ khi Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đồng ý về Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực NN-PTNT đến năm 2020. Theo đó, ngoài việc đưa một số giống cây trồng biến đổi gen vào sản xuất, Việt Nam sẽ tiến tới ứng dụng thành công nhân bản vô tính ở động vật...

Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT), khẳng định, chủ trương của Việt Nam trong phát triển CTBĐG là thận trọng, tiếp nhận và ứng dụng có chọn lọc những thành tựu khoa học của thế giới. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông sản khác sang các nước có quan điểm chưa thống nhất về sử dụng CTBĐG, vì vậy Việt Nam sẽ cân nhắc và có bước phát triển phù hợp để tránh ảnh hưởng xuất khẩu.

GS-TS Võ Tòng Xuân, thành viên điều hành của ISAAA (Cơ quan Dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp) tại Việt Nam, nhận xét, trong khi có nhiều nước mạnh dạn phát triển cây trồng biến đổi gen thì nhiều quốc gia vẫn rất phân vân, dè dặt.

Điển hình, tại EU, ngoại trừ Ba Lan và một số nước, hầu hết các thành viên còn lại đều không nhập thực phẩm biến đổi gen. Ở Ấn Độ - nước đã cho phép trồng cây biến đổi gen, đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi. Lý giải nguyên nhân này, nhiều nhà khoa học cho rằng, đó là do các nước chưa đủ điều kiện đồng bộ hoặc có vướng mắc về thủ tục, cơ chế, chính sách...

Giải khát bằng công nghệ sinh học

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hàng năm Việt Nam phải nhập nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn với tổng trị giá nhập khẩu 3,7 tỷ USD. Đơn cử như đậu nành, chúng ta phải nhập 2,7 triệu tấn trong năm 2011, bởi diện tích đậu nành ở nước ta hiện chỉ khoảng 200 ha và không thể tăng thêm nữa. Bên cạnh đó, với điều kiện ngập nước tại ĐBSCL và khô hạn tại các vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, giống đậu nành hiện tại không thích hợp được. Muốn giảm nhập tiến tới không nhập đậu nành và các nông sản khác, chỉ có tăng năng suất và phát triển giống chịu được các điều kiện kể trên. Có lẽ chỉ có CNSH mới giải quyết được.

Thực tế, CTBĐG đã phát triển rất nhanh kể từ lần đầu tiên được giới thiệu đến người tiêu dùng vào năm 1996. Năm 2011, trên 16 triệu nông dân trên khắp thế giới đã trồng 160 triệu ha các vụ mùa áp dụng CNSH cho năng suất cao. Lợi nhuận kinh tế ròng trên toàn cầu của CNSH trong năm 2008 ước tính là 9,2 tỷ USD.

Đáng chú ý có lẽ là kết quả khảo nghiệm hai giống bắp chuyển gen là BT11 và GA21... do Công ty Syngenta thực hiện. Kết quả các giống bắp biến đổi gen cho năng suất cao hơn 30% so với giống bắp thường; khả năng chống chịu sâu bệnh, thuốc diệt cỏ cũng cao hơn so với các giống bắp truyền thống.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn còn đang dè dặt với CTBĐG, bởi chưa đánh giá hết tác động của công nghệ mới này đến môi trường sống và sức khỏe con người. “Nhưng xa hơn là phải ổn định được nguồn giống. Tránh lệ thuộc vào các nhà cung cấp giống của nước ngoài” - TS Nguyễn Quốc Bình, Phó giám đốc Trung tâm CNSH TPHCM, nhận định.

Cũng theo TS Bình, khảo nghiệm nguồn giống do nước ngoài nghiên cứu là bước đầu tiên, bước tiếp theo là tạo ra được giống cây thích hợp với điều kiện khí hậu và sâu bệnh của Việt Nam. Mỗi năm Bộ NN-PTNT chỉ có khoảng 5 triệu USD dành cho nghiên cứu, nhưng để ra 1 giống CTBĐG, cần ít nhất 7 năm với kinh phí 0,5-1 tỷ USD. Đó là thách thức không hề nhỏ cho ngành CNSH Việt Nam.

BÁ TÂN - TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục