Vẫn tranh luận việc giao Bộ Công an cấp giấy phép lái xe

Sáng 11-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi; Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB).

Chính phủ trình Quốc hội sửa luật GTĐB theo hướng tách thành 2 luật: Luật GTĐB sửa đổi; Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Cho ý kiến về việc này, đa số ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục rà soát phạm vi, nội dung điều chỉnh của 2 dự thảo Luật để hoàn thiện, bảo đảm mối quan hệ hài hòa, thống nhất giữa hai Luật này, không để chồng chéo, trùng lắp.

Vẫn tranh luận việc giao Bộ Công an cấp giấy phép lái xe ảnh 1 Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận sáng 11-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Đáng chú ý, khi tách thành 2 luật, việc quản lý tốt hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) được coi là một biện pháp phòng ngừa, làm giảm tai nạn giao thông (TNGT) và phòng ngừa vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện GTĐB; nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Chính phủ trình chuyển hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp GPLX về Bộ Công an quản lý thay vì Bộ Giao thông - Vận tải hiện nay. 

Thảo luận về nội dung này, ý kiến các đại biểu còn khác nhau.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nêu hàng loạt câu hỏi: việc chuyển công an quản lý về GPLX thì có cần thiết không? Tại sao công an đã từng quản lý rồi chuyển ngành giao thông vận tải, nay lại quản lý? Từ 1 luật chia thành 2 luật thì có gì mới không? Chính phủ đã đánh giá tác động chưa?. ĐB cho rằng, có thực tế là đường càng “ngon” thì TNGT càng nhiều, Việt Nam cần học các nước kinh nghiệm phải kiểm soát phương tiện giao thông. ĐB cũng góp ý các nội dung cụ thể, như việc trừ điểm lái xe khi vi phạm, cần đánh vào yếu tố kinh tế, ví dụ, lái xe bị trừ điểm thì phải trả phí bảo hiểm, kiểm định cao hơn. Cần quy định chặt chẽ giờ lái xe vì hiện nay, thực trạng rất đáng lo ngại là lái xe sử dụng ma túy. Cũng cần quy định rõ nồng độ cồn khi lái xe, như hiện nay cấm tuyệt đối là cũng không khả thi, không phù hợp thực tế.

Vẫn tranh luận việc giao Bộ Công an cấp giấy phép lái xe ảnh 2 ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) băn khoăn khi sửa luật thì Chính phủ tách thành 2 luật. Theo ĐB, GTĐB bao gồm cả 5 trụ cột chính: pháp luật, hạ tầng, phương tiện, thái độ ứng xử, người tham gia giao thông. Việc thiết kế luật phải đảm bảo đồng bộ cả 5 yếu tố này. Do đó, khi tách ra thành 2 luật thì khó tránh khỏi chồng chéo, trùng lắp. “Luật GTĐB phải là luật chính. Chia đôi nội dung hạ tầng GTĐB và phương tiện giao thông là không ổn, chưa phù hợp. Cần bảo đảm có luật mẹ về GTĐB, nếu cần thiết thì có luật chuyên ngành sau”, ĐB Nguyễn Minh Hoàng nói và cho rằng, một dự án luật còn nhiều tranh cãi thì không nên thông qua ngay, mà cần thời gian để thảo luận thêm.
Vẫn tranh luận việc giao Bộ Công an cấp giấy phép lái xe ảnh 3 ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Theo ĐB Nguyễn Minh Hoàng, việc giao cho bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là quyền của Chính phủ, nhưng phải trên nguyên tắc những gì đang làm đã hiệu quả, ổn định thì cần duy trì. Phải bảo đảm tiết kiệm, không tăng thêm ngân sách nhà nước, biên chế. Quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX là việc đòi hỏi sự chuyên nghiệp, không nên làm theo kiểu chỉ thêm việc, không thêm người như lập luận của cơ quan soạn thảo. “Hơn 2.400 con người đang làm việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ Giao thông-Vận tải sẽ đi đâu? Còn lực lượng cảnh sát giao thông thì lấy đâu ra người để làm? Việc này Chính phủ cần có đánh giá tác động thật cụ thể”, ĐB Nguyễn Minh Hoàng đề nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, việc phân công bộ nào quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì Chính phủ phải quyết và chịu trách nhiệm, vì nhiều ý kiến nói đang ổn định thì không thay đổi. Nếu Chính phủ vẫn quyết thì Chính phủ sẽ tự chịu trách nhiệm. Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nhìn vào tình hình giao thông của quốc gia thì sẽ biết trình độ của quốc gia đó, cả về trình độ dân trí, thực thi pháp luật. Do đó, bên cạnh vấn đề hạ tầng giao thông thì ý thức tham gia giao thông, việc thực thi pháp luật về giao thông mới là điều quan trọng.

“Có trật tự giao thông tốt, đó mới là điều mà Việt Nam cần hướng đến. Do đó, đề nghị bổ sung vào luật trách nhiệm của nhà nước trong lĩnh vực này. Đơn cử, nếu TNGT do ổ gà thì đó là trách nhiệm của nhà nước đã không bảo đảm hạ tầng giao thông. Do đó, phải rạch ròi trách nhiệm của nhà nước và người dân. Cần loại bỏ quan điểm TNGT xảy ra thì phương tiện giao thông thô sơ được “miễn” trách nhiệm, bởi đang có tình trạng người gánh gồng thản nhiên vi phạm an toàn giao thông; người vi phạm thì lại đổ lỗi cho người không vi phạm”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nói. 

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Chương (TPHCM) dẫn câu chuyện lái xe ôm nói “mình khắc quẹo thì người khác khắc tránh” để cho rằng, giáo dục ý thức và chế tài với người tham gia giao thông là điều rất quan trọng. “Các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe hiện đã xã hội hóa hoàn toàn, nay chuyển sang công an quản lý thì cần có thời gian chuẩn bị, nhất là khi còn nhiều ý kiến khác nhau. Nên cân nhắc thời điểm ban hành các luật này, đừng để người dân có cảm giác luật ra đời vội vàng”, ĐB Nguyễn Văn Chương nói.

ĐB Ngô Minh Châu (TPHCM) tán thành, hiện nay, người dân TPHCM, Hà Nội đang rất bức xúc về nơi đỗ xe. Phương tiện ô tô ngày càng nhiều, diện tích giao thông tĩnh không có, người đi ô tô, taxi phải chạy vòng vòng vì không có chỗ đỗ. Do đó cần có quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng; phải quy định các chung cư, trung tâm thương mại phải có chỗ đỗ xe.

Vẫn tranh luận việc giao Bộ Công an cấp giấy phép lái xe ảnh 4 ĐB Ngô Minh Châu (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
Về quản lý GPLX, ĐB Ngô Minh Châu cho rằng, thực chất là trả lại cho ngành công an, trước đây, công an đã từng quản lý lĩnh vực này. Cấp phép GPLX giao cho công an sẽ thuận lợi hơn vì công an có cơ sở dữ liệu dùng chung. Ông đề nghị việc đào tạo để cấp phép GPLX có thể xã hội hóa, còn việc cấp phép thì do ngành công an cấp.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng, vấn đề thiếu bãi đỗ xe ở các đô thị đang rất bức xúc. Nhưng dự thảo chưa có quy định về tỷ lệ giao thông tĩnh trong quy hoạch chung của địa phương. Nguyên tắc quy hoạch giao thông nông thôn cũng là nội dung cần được đề cập, vì nông thôn bây giờ đã nhiều ô tô mà đường lại rất nhỏ, thóc lúa phơi đầy trên đường, không có bãi đỗ xe công cộng cho người dân. ĐB Nguyễn Phi Thường tán thành giao công an cấp GPLX.

Tin cùng chuyên mục