Vất vả đối phó biến chủng Delta

Kể từ lần đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 4, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã lây lan đến ít nhất 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đe dọa thành quả chống đại dịch bước đầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây nhấn mạnh, biến chủng Delta đang nhanh chóng trở thành biến chủng thống trị.
Khu vực ở hạt Kent, Anh nhận cảnh báo nguy cơ cao dịch Covid-19
Khu vực ở hạt Kent, Anh nhận cảnh báo nguy cơ cao dịch Covid-19

Hoành hành tại châu Á 

Với mức độ lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha (xuất hiện lần đầu ở Anh), biến chủng Delta gây nên tình trạng dịch bệnh phức tạp tại châu Á. Theo báo Khmer Times, Bộ Y tế Campuchia thông báo, trong ngày 20-6 nước này ghi nhận thêm 471 ca mắc Covid-19. Cùng đó có 17 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong 2 ngày cuối tuần lên 37 người (tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Campuchia hiện là 431). Đây là con số cao nhất kể từ khi đợt bùng phát dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020. 

Theo tờ The Jakarta Post, tình hình dịch Covid-19 tại Indonesia diễn biến xấu do mùa lễ hội vào tháng trước và biến chủng Delta làm lây lan dịch bệnh nhanh hơn. Bộ Y tế Indonesia ngày 19-6 thông báo ghi nhận thêm 12.906 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại nước này là 1.976.172 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 248 ca, lên 54.291 ca. Do biến chủng Delta, chỉ trong 24 giờ, Malaysia ghi nhận thêm 72 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 lên 4.348 ca. Chủng Delta cũng hoành hành tại Philippines, khi trong ngày 19-6, nước này ghi nhận 6.959 ca mắc Covid-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.353.220 ca. Số ca tử vong cũng tăng lên 23.538 người sau khi có thêm 153 bệnh nhân không qua khỏi.

Trung Quốc đại lục ghi nhận 30 ca mắc trong ngày 19-6, trong đó có 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông. Sân bay ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) đã phải hủy gần 400 chuyến bay và thắt chặt kiểm soát nhập cảnh sau khi một nhân viên nhà hàng trong sân bay mắc Covid-19, được xác định mắc biến chủng Delta. 

Ngăn cản châu Âu mở cửa

Tại châu Âu, số ca mắc Covid-19 tuy không còn cao như trước nhưng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, đã làm dấy lên lo ngại rằng biến chủng Delta có thể cản trở tiến trình mở cửa của Liên minh châu Âu (EU) được chuẩn bị trong 2 tháng qua. Các nhà khoa học trên khắp lục địa già hiện đang hướng đến Vương quốc Anh - nơi số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp 3 lần trong tháng qua và biến chủng Delta chiếm tới 98% tổng số ca mắc mới. Sau khi dữ liệu chính thức cho thấy, biến chủng Delta dường như làm tăng nguy cơ nhập viện gấp 2,2 lần so với biến chủng Alpha, Chính phủ Vương quốc Anh trong tuần này đã phải gia hạn thêm một tháng lệnh phong tỏa.

Phân tích của Financial Times về dữ liệu gen toàn cầu từ cơ sở dữ liệu theo dõi virus Gisaid cho biết, mặc dù bệnh nhân mắc biến chủng Delta chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số ca mắc Covid-19 trong EU, nhưng rất đáng ngại. Đặc biệt, biến chủng Delta chiếm 96% số ca mắc Covid-19 ở Bồ Đào Nha, hơn 20% ở Italy và khoảng 16% ở Bỉ. Tại Pháp, con số này là từ 2%-4%. Các nhà chức trách Pháp hiện đang cố gắng ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát ở vùng Landes, gần biên giới Tây Ban Nha, nơi ghi nhận 125 ca mắc Covid-19 và 130 trường hợp nghi mắc Covid-19 do biến chủng Delta. Cũng theo giới khoa học châu Âu, việc giải trình tự gen phát hiện biến chủng của SARS-CoV-2 mất nhiều thời gian và công sức, nên đôi khí ít được chú trọng. Điều này càng đẩy nhanh tốc độ lây nhiễm, nhất là với biến chủng Delta.

Tại Mỹ, biểu đồ cho thấy số bệnh nhân mắc biến chủng Delta hiện chiếm hơn một nửa số ca mắc Covid-19 ở các vùng của Mỹ và đang ngày càng phổ biến trên cả nước này. Nhiều bang ghi nhận số ca mắc do biến chủng Alpha giảm dần, nhưng số ca mắc do  biến chủng Delta lại đang gia tăng.

Theo dữ liệu do Public Health England thu thập, liều đầu tiên của vaccine Covid-19 thường kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Delta so với các chủng trước đó. Nhưng khi tiêm đủ 2 liều sẽ tăng khả năng bảo vệ từ 33% lên 81%.

Tin cùng chuyên mục