Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: Cần hướng tiếp cận mới

TPHCM đang xây dựng cơ chế chính sách đặc thù mới đề xuất trung ương thay thế Nghị quyết 54 sắp hết thời gian thực hiện. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn gần 5 năm qua, TPHCM cần có hướng tiếp cận mới khi xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù. 
Cán bộ UBND quận 3 giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ UBND quận 3 giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cách tiếp cận “thực dụng” và sáng tạo

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TPHCM), có 2 cách tiếp cận khi xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Một là dựa trên quá trình xây dựng, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 54 và đề xuất nghị quyết mới. Cách thứ hai là dựa vào các xu hướng, mô hình thể chế vượt trội trên thế giới. Đánh giá 2 cách tiếp cận này, đồng thời nghiên cứu cơ chế đặc thù của các tỉnh thành khác, nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia TPHCM mà TS Trương Minh Huy Vũ đại diện, đề xuất một hướng tiếp cận hỗn hợp, “thực dụng” và sáng tạo. 
Cụ thể, chuyên gia này đánh giá, hướng tiếp cận dựa trên lịch sử xây dựng, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 sẽ mang tính kế thừa, bám sát quy định của pháp luật, nhưng cũng sẽ chậm nhịp với thực tiễn.

Ở cách tiếp cận nhìn ra thế giới theo xu hướng thời đại, song sẽ có những điểm chưa thực sự phù hợp, tương thích với hệ thống chính trị, pháp lý của Việt Nam. Từ các phân tích cụ thể, nhóm nghiên cứu đề xuất cách tiếp cận hỗn hợp, dựa trên 3 nguyên tắc. Trước hết là nguyên tắc định vị và so sánh - những gì đề xuất trong nghị quyết mới phải bằng hoặc vượt trội hơn so với những trung tâm kinh tế khác của đất nước. Nguyên tắc thứ 2 là việc trao cho TPHCM nhiều quyền hơn, tương ứng với cam kết trách nhiệm nhiều hơn. Và cuối cùng là nguyên tắc tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, không dàn trải; những lĩnh vực cần ưu tiên là thương mại, dịch vụ, tài chính, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư… 

Tính chất thực dụng mà nhóm chuyên gia đề cập là “vướng gì thì đề xuất ngay những việc đó”, như dự án Vành đai 3, các tuyến Metro, chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch… Các chuyên gia cũng đề xuất 7 nhóm cơ chế chính sách cần lồng ghép, gồm: bộ máy, phân cấp, ủy quyền; cán bộ, thu hút nguồn nhân lực; nguồn lực tài chính, đất đai và công sản; phát triển kinh tế số và đổi mới sáng tạo; quy hoạch và thúc đẩy liên kết vùng; mô hình thành phố trong thành phố; đề án phát triển trung tâm tài chính. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Hoàng Phương, Học viện Chính trị Khu vực II, cho rằng, cần thiết có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế chính sách mà TPHCM cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM, tập trung 3 nội dung đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đồng thời xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức. Trong đó tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TPHCM cho TP Thủ Đức. 

Phải thực sự trao quyền để thực hiện 

TS Nguyễn Hoàng Phương cũng cho rằng, nghị quyết mới cần kiến nghị việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM như quản lý đầu tư, tài chính - ngân sách, kinh tế, đô thị môi trường, văn hóa xã hội, tổ chức bộ máy nhà nước… Việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền phải cụ thể, rõ ràng, để người được phân cấp, ủy quyền phải thật sự có quyền hạn mới thực hiện trách nhiệm được. Không thể chỉ giao nửa quyền, dẫn đến tình trạng “đi cà nhắc” trong các quyết định. 

Về thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, TS Nguyễn Hoàng Phương gợi ý, nghị quyết mới cần cho phép TPHCM được quy định một số khoản thu, chi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố. Được đặt ra các khoản phí, lệ phí, thuế đặc thù như đánh thuế căn nhà thứ 2, nền đất bỏ hoang, hạn chế đầu tư bất động sản…

TS Dương Huy Đức, Tạp chí Cộng sản, nhấn mạnh, nghị quyết mới cần xác định rõ ràng, minh bạch hơn nữa trong cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho TPHCM; đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chí cụ thể và sẽ không thí điểm cơ chế đặc thù mà thực hiện dài hạn nhằm có thời gian triển khai để thấy được hiệu quả. 

Cho rằng vấn đề tài chính - ngân sách là một trong những vấn đề rất quan trọng để TPHCM thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù. TS Trương Đức Thuận, Tạp chí Cộng sản, góp ý, trong nghị quyết mới, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM được giữ ổn định tối thiểu là 21% trong 5-10 năm. Bởi đây là cơ sở để TPHCM có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm. 

Bên cạnh đó, cho cơ chế HĐND TPHCM được quyền quy định mức thu nhập cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. HĐND TPHCM được quyền quyết định bố trí ngân sách của TPHCM để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo hiệu quả công việc, với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ.

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM

Khi TPHCM có cơ chế chính sách đặc thù thì mới có thể tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn so với các địa phương khác. Việc thử nghiệm tại TPHCM cũng là cơ sở để mở rộng thử nghiệm đó ra cả nước. Chẳng hạn, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai là những địa phương phải đối mặt với hiện tượng di dân từ các tỉnh về, phải gánh chịu áp lực rất lớn về giáo dục, hạ tầng, trong khi các tỉnh xuất cư lại thuận lợi hơn. Cơ chế thử nghiệm sẽ không chỉ giúp cho TPHCM mà còn lan tỏa ra cả nước. 

Về nội dung cụ thể của cơ chế chính sách đặc thù, cần cân nhắc bổ sung cơ chế đặc thù về khoa học công nghệ và trung tâm tài chính. Bởi, khi xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, có những yếu tố bên trong không thuộc thẩm quyền giải quyết của TPHCM, ví dụ như đồng tiền tự do chuyển đổi, chu chuyển vốn… 

TS-KTS NGUYỄN ANH TUẤN, Trưởng Phòng Quản lý Quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM

Để TPHCM phát huy được vị trí và vai trò quan trọng, là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nghị quyết mới cần kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và điều chỉnh các định hướng, chiến lược, chương trình, cơ chế chính sách quốc gia về quản lý phát triển vùng đô thị, trong đó có vùng Đông Nam bộ, nhằm tạo điều kiện phát huy thế mạnh của vùng TPHCM. Có cơ chế phân cấp, ủy quyền cho TPHCM phê duyệt các cấp độ quy hoạch, quy hoạch ngành như công nghiệp, quy hoạch tài nguyên rừng… giúp rút ngắn thời gian và chủ động quyết định những vấn đề trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội. 

Nghị quyết mới cho phép TPHCM được thử nghiệm chính sách, cơ chế tài chính, đầu tư đô thị mới, đặc biệt là thử nghiệm những mô hình quản lý đầu tư phát triển, hiện đại. Cùng với đó, cho phép TPHCM chủ động xây dựng, vận dụng các quy định đặc thù, có thể khác với tiêu chuẩn, quy định, pháp lý hiện nay nhằm thu hút và phát huy hiệu quả các nguồn lực khác nhau để phát triển đô thị phù hợp với điều kiện của TPHCM.

Tin cùng chuyên mục