Về con người 100 năm hào kiệt

Do công việc và có lẽ cũng cơ duyên, tôi may mắn được gặp và dự các cuộc trò chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một vài lần. Nhờ thế, tôi đã ghi lại những câu chuyện nhỏ của một vị Đại tướng 100 năm hào kiệt.
Về con người 100 năm hào kiệt

Do công việc và có lẽ cũng cơ duyên, tôi may mắn được gặp và dự các cuộc trò chuyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp một vài lần. Nhờ thế, tôi đã ghi lại những câu chuyện nhỏ của một vị Đại tướng 100 năm hào kiệt.

1.
Dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 – 7-5-2009), mặc dù lúc đó tuổi cao sức yếu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dành thời gian tiếp khách. Đây là đợt tiếp khách cuối cùng tại nhà riêng (số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội), bởi từ tháng 6-2009, Đại tướng đã vào Quân y viện 108 tĩnh dưỡng.

Lần đó, Đại tướng nhắn nhủ, tất cả mọi người từ bộ đội, chiến sĩ đến các tầng lớp nhân dân, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến những người dân thường, hãy vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần của Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của đất nước. “Làm sao để xây dựng Việt Nam không chỉ là một nước anh hùng mà còn phát triển, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như Bác Hồ hằng mong ước” - Đại tướng nói.

Đề cập đến TPHCM, Đại tướng cho rằng, là thành phố anh hùng, nổi tiếng trong suốt 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, đã vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu, vì vậy TPHCM phải luôn đi đầu, thành công nhiều hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc lịch sử vĩ đại của Bác Hồ. Đại tướng cũng mong muốn TPHCM và tất cả các địa phương cả nước hãy luôn quan tâm đến thế hệ trẻ, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Phải làm sao để các cháu thiếu niên, nhi đồng luôn được ăn học đầy đủ, bởi đó là tương lai của đất nước, của dân tộc Việt Nam.

Về con người 100 năm hào kiệt ảnh 1

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (lúc đó đang là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng) thăm hỏi và chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp Đại tướng tròn 97 tuổi, chiều 25-8-2008, tại nhà riêng Đại tướng.

2. Ngày 25-8-2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tròn 97 tuổi. Trong cuộc tiếp và trò chuyện với Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc ấy đang kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT), Đại tướng cho rằng: Giáo dục và khoa học là quốc sách hàng đầu của đất nước, vì vậy muốn đất nước phát triển, cần phải đầu tư, chăm sóc phát triển sự nghiệp giáo dục và khoa học. “Giáo dục đào tạo ra con người, mà con người lại làm nên lịch sử. Khi giáo dục tốt, thì chúng ta sẽ có những con người ưu tú và làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc, đất nước. Anh chị em trong ngành giáo dục cần nhận thức sâu sắc được tầm quan trọng của nghề nghiệp mình và tự hào vì điều đó” - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc nhở.

Mới đây, vào dịp Đại tướng tròn 100 tuổi (25-8-1911 – 25-8-2011), để đáp lại tấm lòng của những đồng chí, đồng đội và bạn bè tới thăm, chúc thọ, đích thân Đại tướng đã ký thiệp cảm ơn những người tới thăm, chúc thọ, dù tay run và chữ ký không đẹp như xưa...

3. Là em đồng hao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư (năm nay 85 tuổi) cho rằng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có 2 giai đoạn chưa được lịch sử viết rõ ràng, cụ thể. Đó là thời kỳ 1932 - 1939 và 1954 – 1971. Với sự giúp đỡ của người chị vợ Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Phạm Hồng Cư đã sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau, nhất là của gia đình để viết cuốn sách về cuộc đời Đại tướng giai đoạn 1932 – 1939. Riêng giai đoạn 1954 đến 1971 hiện vẫn đang để ngỏ.

Theo Trung tướng Phạm Hồng Cư, ông và một số người đã nhiều lần đề nghị Đại tướng cho phép viết lại hồi ức của Đại tướng giai đoạn này, nhưng Đại tướng không đồng ý. “Sức khỏe Đại tướng không còn như xưa, nếu không sớm làm về sau khó thực hiện được chân thật, đầy đủ cuộc đời của Đại tướng trong giai đoạn này. Thiếu giai đoạn này, bức tranh về cuộc đời cũng như sự nghiệp chính trị, quân sự đầy hiển hách, vinh quang của Đại tướng sẽ không trọn vẹn…” - Trung tướng Phạm Hồng Cư tâm sự.

Tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 21-8-2011 đã diễn ra cuộc gặp mặt các thế hệ từng giúp việc cho Đại tướng, nhân dịp Đại tướng tròn 100 tuổi. Tại đây, Trung tướng Lê Hữu Đức (năm nay 88 tuổi), nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN), người từng có nhiều năm làm việc bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm sự: “Tôi sẽ dành khoảng thời gian còn lại của đời mình để viết về anh Văn trong hai thời kỳ: 1972 và 1975 với những tư liệu và những kỷ niệm riêng của tôi với anh mà chưa một sách báo, tài liệu nào đề cập”. 

Cả thế giới nhìn nhận Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào lịch sử bằng tài năng nhân cách, là thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn. Nhưng tôi muốn nói ở khía cạnh sử học, hiếm có vị tướng nào trên thế giới vừa có binh nghiệp lẫy lừng vừa soạn được những cuốn binh thư hiện đại, tổng kết về lý luận với những trang viết sống động. Lịch sử quân sự Việt Nam chỉ có hai pho binh thư đúng nghĩa. đó là của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp"

GS Phan Huy Lê

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục