Quân đội Nhân dân Việt Nam ta, từ khi ra đời đến nay đã mang nhiều tên gọi. Tuy tên gọi có nhiều lần thay đổi nhưng nhân dân ta chỉ thích gọi quân đội ta là bộ đội Cụ Hồ, gọi cán bộ chiến sĩ trong quân đội ta là anh bộ đội Cụ Hồ.
Bộ đội Cụ Hồ ngoài hàm ý là bộ đội được Cụ Hồ xây dựng, giáo dục rèn luyện, còn có nghĩa là một danh hiệu cao quý được dân ta tôn vinh quân đội ta. Danh hiệu đó là cao đẹp vì bộ đội Cụ Hồ đã vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, đã cùng nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã từng “9 năm làm một Điện Biên” chấn động địa cầu, đã giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Bộ đội Cụ Hồ đã đem xương máu để bảo vệ biên cương của Tổ quốc và cứu nhân dân bạn gặp lúc lâm nguy, với nghĩa tình vô tư trong sáng. Bộ đội Cụ Hồ đã góp sức giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong một thế giới đầy biến động rối ren, tạo điều kiện cho đất nước ta được xây dựng ngày càng khang trang, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, vị thế của nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Trong lúc dân ta tôn vinh quân đội ta danh hiệu bộ đội Cụ Hồ thì trong nội bộ quân đội cũng tôn vinh vị Tổng tư lệnh của mình là Đại tướng Võ Nguyên Giáp với danh xưng người anh Cả. Đó là người anh Cả có cuộc đời rất đẹp. Ông từng là một nhà báo lớn, một nhà giáo dạy sử rồi trở thành một nhân vật lịch sử nổi tiếng. Ông là vị Tổng tư lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng(*) do đã chỉ huy đánh bại một đại tướng của địch và suốt cả cuộc đời binh nghiệp chỉ có duy nhất một quân hàm. Ông đã dẫn dắt lớp lớp đàn em từ lúc quân đội mới thành lập, đánh thắng hết các loại giặc ngoại xâm, đang còn sống với chúng ta đến ngày nay, thọ hơn một trăm tuổi.
Đến lúc tuổi cao, sức yếu vẫn giữ được đầu óc minh mẫn đóng góp với Đảng về những vấn đề lớn của đất nước. Người anh Cả đó đã từng thao thức suy nghĩ tính toán đủ cách trước mỗi chiến dịch, mỗi trận đánh, cố làm sao thắng được giặc mà quân ta ít bị thương vong. Khi đã đánh thắng được giặc thì nhớ công lớn là của dân, của chiến sĩ, của Đảng phần mình chỉ là phần nhỏ. Người có tài cao công lớn mà giữ được khiêm tốn như vậy thật xứng đáng là một học trò xuất sắc của Bác Hồ. Người anh Cả đó trong lúc bộn bề lo toan việc nước, vẫn để thì giờ trò chuyện, đánh đàn piano cho vợ, cho con nghe...
Với danh hiệu bộ đội Cụ Hồ được dân ta tôn vinh và có được người anh Cả đáng yêu, đáng kính, cán bộ chiến sĩ quân đội ta còn được khắc ghi vào tâm khảm của mình hai chữ vàng: Trung và hiếu.
Giữ chữ Trung còn có ý nghĩa là trung với Đảng Cộng sản Việt Nam. Có ý kiến cho rằng ngày nay thanh niên vào quân đội là thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật nước, nên chỉ cần xác định lòng trung với nước, nếu thêm lòng trung với Đảng là sự áp đặt không hay. Nhận thức như vậy là không đúng. Việc xây dựng lòng trung thành của quân đội đối với nước, đối với Đảng đều trên cơ sở nâng cao tính tự giác, đều từ sự hiểu biết, thấy đúng rồi tuân theo, nên không thể coi là áp đặt. Trung với nước là giữ cho nước được độc lập và đi lên chủ nghĩa xã hội vì dân giàu nước mạnh dân chủ công bằng văn minh. Đó cũng chính là chủ trương của Đảng được thực tiễn chứng minh là đúng đắn.
Về chữ hiếu, thông thường là vấn đề ứng xử giữa con cái với cha mẹ là bổn phận làm con đối với cha mẹ. Đạo hiếu của quân đội ta là vấn đề ứng xử giữa quân đội và nhân dân, coi nhân dân như cha mẹ, hết lòng cứu giúp dân, chăm lo đời sống của dân, tiết kiệm tài sản công sức của dân đóng góp, lắng nghe ý kiến phê bình của dân để sửa chữa sai sót.
Cán bộ chiến sĩ quân đội ta có giữ được đạo trung với nước, với Đảng, có giữ được đạo hiếu với dân, mới hưởng được hạnh phúc lớn: đến với dân, dân mừng, ở với dân, dân thương, đi xa dân, dân nhớ, làm được như vậy mới có được thế trận lòng dân.
(*) Sắc lệnh số 110 SL ngày 20-1-1948.
Trần Trọng Tân