Về nhà sau tết

Khác với dòng người hối hả trở lại các thành phố lớn để tiếp tục guồng quay của công việc, không ít bạn trẻ, mùa xuân với họ chỉ vừa mới bắt đầu. Về nhà sau tết là cách mà nhiều bạn trẻ lựa chọn để giảm bớt áp lực tiền bạc và tranh thủ kiếm thêm thu nhập trong 3 ngày xuân ở chốn thị thành.
Làm MC cho các chương trình vui chơi trong dịp tết - công việc làm thêm mùa tết của một số bạn trẻ
Làm MC cho các chương trình vui chơi trong dịp tết - công việc làm thêm mùa tết của một số bạn trẻ

Thêm tiền phụ ba mẹ

Tranh thủ giao hàng cuối năm cho một tiệm bán mỹ phẩm đến tận khuya, khi tiệm đóng cửa nghỉ tết, Thuận Thành (22 tuổi, quê Bình Thuận) tiếp tục tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách cày cuốc những chuyến xe ôm suốt mấy ngày tết. Sáng mùng 7, vừa lo ràng chiếc ba lô quần áo lên xe để về quê sớm, Thành vừa chia sẻ: “Qua tết là bắt đầu vào học kỳ mới, nên tết này em tranh thủ ở lại thành phố kiếm thêm để đóng tiền học phí. Chạy xe mấy ngày này được lắm, khách đi xe còn lì xì thêm chút đỉnh, sau khi biếu ba mẹ và tiền đóng học phí, em cũng còn dành được chút ít để tiêu xài”.

Các công việc thời vụ trong dịp tết rất thu hút nhiều bạn trẻ không về quê ở lại thành phố kiếm thêm, nhất là cánh sinh viên, bởi thu nhập hấp dẫn, thù lao một ngày có khi gần 500.000 đồng. Phục vụ ở quán cà phê, cửa hàng ăn uống, giữ thú cưng, phụ bán hoa kiểng, giữ nhà ngày tết, làm việc ở các điểm vui chơi như đường hoa, đường sách… là những công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều trong mùa tết.

Phụ việc cho một cửa hàng mua bán và nhận giữ thú cưng trong mấy ngày tết, Nguyễn Thanh Quý (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) cũng chọn về nhà sau tết để kiếm thêm. Quý tâm sự: “Ngày tết, tiền lương trả theo ngày mà cao gấp mấy lần ngày thường nên em tranh thủ ở lại thành phố làm luôn, qua tết mới về nhà. Không ăn tết với gia đình cũng buồn, nhưng bù lại có thêm một khoản để lo học phí và tiền trọ, đỡ gánh nặng cho ba mẹ. Năm nay em cũng có đứa em chuẩn bị luyện thi đại học”.

Kết thúc lịch học ở trường, Nguyễn Mộng Điệp (19 tuổi, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, quê Cà Mau) nhận công việc thời vụ gói quà tết cho một công ty đến 27 Tết, sau đó làm phục vụ quán ăn trong suốt mấy ngày tết. Sáng mùng 6, gặp Điệp đang sắm sửa quần áo cho bản thân, mua quà cho gia đình, Điệp kể: “Bây giờ, mua hàng không lo bị nói thách, còn vé xe thì em đã đặt từ trước, nên thu xếp đồ đạc xong là ra bến xe về nhà. Tết năm nay, em không về nhưng có gọi điện thoại chúc tết ba mẹ và ông bà nội. Được cái này thì mất cái kia, không về nhà ăn tết nhưng bù lại sang năm đỡ lo phần học phí, ba mẹ em cũng buồn một chút”.

Chắt chiu chút quà muộn

Trong hành lý gói ghém về quê, không ít bạn trẻ đã chắt chiu từng gói bánh mứt, bộ ly trà, thùng nước ngọt hay cuốn lịch tết… để làm quà cho gia đình. Trên tay khệ nệ một thùng carton đựng quà cho gia đình, đang mua vé xe về Hậu Giang vào chiều mùng 7, Minh Thành (20 tuổi, quê Hậu Giang) nói: “Trong này là bánh kẹo, 2 cuốn lịch và bộ ấm trà. Em làm bảo vệ cho một tiệm làm tóc, cuối năm chủ tiệm tặng quà, rồi em tranh thủ chạy xe ôm trong mấy ngày tết, khách cho 2 cuốn lịch coi như quà lì xì đầu năm. Em gom lại hết trong thùng này để làm quà biếu ba mẹ”.

Cũng tay xách nách mang hành lý về quê, nhưng quần áo cá nhân chỉ vài bộ, còn lại là bánh mứt mỗi loại một chút về làm quà cho ba mẹ, Mộng Điệp kể thêm: “Vì nhà em mỗi người thích một loại mứt, nên em mua mỗi thứ vài lạng để làm quà. Ở nhà mẹ cũng có sên mứt, nhưng con cái mang một chút xíu về cũng là tấm lòng, khách tới nhà là ba mẹ khoe mứt con gái mua trên thành phố”.

Chuẩn bị xe về quê vào chiều mùng 6, gói gọn vài ba bộ quần áo nhưng ràng cả thùng bánh kẹo, chén dĩa, mấy cái xoong, chảo phía sau, Nguyễn Phú Thành (22 tuổi, quê Tiền Giang) kể: “Quê em cũng gần, nên tự chạy xe về luôn, đỡ tốn tiền vé, để tiền đó mua thêm bánh kẹo với vài bộ chén, dĩa mới. Ra chợ ở quê mua cũng có, đỡ phải chở theo cồng kềnh, nhưng quà mình tự tay lựa rồi đem về mới có ý nghĩa. Năm rồi, khui hộp bánh ra để uống nước trà với mấy bác trong xóm, ba tui còn khoe bánh này trên thành phố nghen, con trai tui đem về. Nghe thương lắm, nên về nhà trước hay sau tết cũng phải có chút quà”.

Những món quà nhỏ nhưng chắt chiu cả một tấm lòng của những bạn trẻ bươn chải dịp tết để đỡ một phần áp lực kinh tế cho gia đình. Và trong dòng người về nhà sau tết, mùa xuân dường như vẫn còn đâu đó trên những nẻo đường, tết không chỉ có 3 ngày mà khi người ta trở về nhà thì mùa xuân vẫn còn đó, trọn vẹn một giá trị đoàn viên, sum vầy.

Tin cùng chuyên mục