
Tôi quen ông một cách hết sức tình cờ qua một chuyến đi từ nhiều năm trước. Qua những lần phỏng vấn ông, tôi chú ý tới ông do phát hiện ra một tâm hồn rất Việt ở người đàn ông châu Âu này. Là người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của một quốc gia châu Âu tại TP HCM, đã trải qua nhiều nhiệm kỳ tại nhiều quốc gia trên hầu hết các châu lục, nhưng - theo như lời ông - hiếm có đất nước nào để lại cho ông ấn tượng mạnh mẽ như Việt Nam.

Ông Alfred Simms - Protz, cựu Tổng lãnh sự CHLB Đức tại TPHCM.
Trong thời gian ông làm việc tại Việt Nam (từ 2000 tới 2004), tôi và các đồng nghiệp của mình đã nhiều lần chứng kiến và không ít lần ngạc nhiên về tình cảm của ông dành cho Việt Nam. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất ở ông là một vốn tiếng Việt phong phú và sự cảm nhận sâu sắc về nền văn hóa và con người Việt Nam.
Chính ông là người đã nỗ lực thực hiện những bước đi đầu tiên, để dự án Trùng tu tháp Cánh Tiên tại Bình Định được trở thành hiện thực, một dự án lớn về văn hóa nằm trong mối quan tâm chung của cả hai nước.
Có dịp cùng ông tới những vùng miền xa xôi nhất ở phía Nam đất nước, như Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên, những bản làng của người dân tộc hẻo lánh tại vùng cao nguyên miền Trung, mới thấy hết những gì mà ông mong muốn làm cho những người dân nghèo Việt Nam.
Qua những chuyến đi, ông tìm hiểu và tiếp xúc với các cơ quan chức năng địa phương, trò chuyện với những người dân và sau đó cùng những đồng nghiệp của mình thực hiện những dự án hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lãnh vực như: y tế, xã hội, giáo dục và xóa đói giảm nghèo.
Tôi còn nhớ những lời nói biết ơn đầy xúc động của những hộ dân nghèo ở xã An Thạnh tỉnh Bến Tre, khi kilômét đầu tiên trên con đường Hữu nghị Đức-Việt được khánh thành trong nhiệm kỳ của ông. Ngày nay con đường đó tiếp tục được xây dựng, nối dài và thêm cả những cây cầu được các đồng nghiệp của ông tiếp tục thực hiện từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ Đức.
Rồi các dự án khác như xây dựng cầu giao thông nông thôn và cung cấp nước sạch cho các trường tiểu học tại Cà Mau, dự án chăn nuôi trồng trọt giúp đỡ các hộ nghèo tại Vĩnh Long, dự án dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Đồng Tháp, An Giang, mua sắm trang thiết bị cho những mái ấm tình thương tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, TPHCM… Không thể kể hết những dự án đã thành hiện thực, những kết quả mà ông là người đặt nền móng và chỉ đạo thực hiện nhằm giúp đỡ người nghèo Việt Nam.
Ông trở thành bạn của rất nhiều người Việt, từ các phóng viên, cán bộ ngoại giao, các nhạc sĩ, luật sư, ca sĩ đến các doanh nhân. Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, ông đã nhiều lần tham gia Liên hoan Âm nhạc châu Âu, với tư cách là nhạc công guitar bass, lúc thì cùng ban nhạc của nhạc sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đại diện cho Việt Nam, lúc thì với ban nhạc Đức từ quê hương ông. Khi được hỏi, ông nhớ gì nhất khi rời khỏi Việt Nam, ông nói, đó là cuộc sống âm nhạc và tình bạn với những người Việt.
Bạn bè yêu quý ông, không chỉ vì tình cảm đặc biệt mà ông dành cho Việt Nam mà còn vì tính tình hồn hậu, hào sảng hết sức Nam bộ của ông. Thật thú vị khi biết rằng, trong gia đình, ông là người nói giọng Nam, còn vợ ông - một phụ nữ Úc xinh đẹp - thì lại nói giọng Hà Nội rất chuẩn (bà đã có nhiều năm làm việc cho UNESCO tại Hà Nội), 3 người con của ông đều nói được tiếng Việt (một người sinh tại TPHCM) và ngôn ngữ ở nhà của họ cũng là tiếng Việt.
Dù đã trải qua hai nhiệm kỳ ở hai quốc gia khác sau khi kết thúc công việc tại TPHCM, năm nào ông cũng cố gắng thu xếp quay trở lại Việt Nam ít nhất là hai lần, lần gần đây nhất là vào cuối năm 2008. Cái gì ở Việt Nam cuốn hút ông đến vậy? Theo ông: “Đối với tôi, nơi đây là cuộc sống! Dù không khí còn ô nhiễm, dù ồn ào, dù kẹt xe và lộn xộn, nhưng đó mới đích thực là cuộc sống. Nơi đây là nhà của tôi!”.
Ông là Alfred Simms-Portz, cựu Tổng lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại TPHCM. Tên tiếng Việt của ông là Mr An Phát.
Thùy Linh