Vị cứu tinh bất ngờ

Wijy Wijaya đã phải đối mặt với một trở ngại lớn trong năm thứ ba điều hành cửa hàng bán rau của mình ở Tebet (Jakarta, Indonesia) vì sụt giảm 22% doanh thu, khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố vào đầu năm 2020. 
Chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng tại các công ty vừa và nhỏ ở Indonesia
Chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra nhanh chóng tại các công ty vừa và nhỏ ở Indonesia

Trong nỗ lực cứu vãn công việc kinh doanh, Wijy đã thực hiện một số chiến lược mới mà cô học được thông qua Digitarasa, một chương trình chuyển đổi kỹ thuật số (Digital Transformation - DT) dành cho doanh nghiệp (DN) nhỏ. Cô cắt giảm được một số chi phí hoạt động, đổi mới sản phẩm và mở rộng sự hiện diện trên mạng xã hội. Kết quả, cô có thêm nhiều đơn đặt hàng hơn. “Doanh thu đã tăng trở lại chỉ sau vài tháng”, Wijy cho biết tại hội thảo trực tuyến Jakpost UpClose vừa diễn ra. 

Với chủ đề “Tạo dựng một tương lai kỹ thuật số sau đại dịch cho các DN  vừa và nhỏ Indonesia”, hội thảo trình bày về chuyển đổi kỹ thuật số giúp các chủ DN nhỏ như Wijy thích ứng và phát triển trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

Chính phủ Indonesia đang theo đuổi mục tiêu xây dựng năng lực cho DN vừa và nhỏ, gồm: chuyển đổi kỹ thuật số; chuyển đổi chuỗi cung ứng cho phép các DN vừa và nhỏ cung cấp cho các ngành công nghiệp quy mô lớn nội địa, nước ngoài, thu thập dữ liệu. Vì hầu hết các DN vừa và nhỏ của Indonesia là các DN phi chính thức, chưa đăng ký.

Bayu Ramadhan, Phó Chủ tịch Tiếp thị thương mại của Gojek Indonesia, cho biết, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng cho thấy nhiều DN vừa và nhỏ đã chấp nhận DT để tồn tại trong đại dịch. Trong khi đó, ngoài việc dễ dàng cải thiện kinh doanh, các nền tảng kỹ thuật số còn cho phép DN vừa và nhỏ tiếp cận thị trường lớn hơn khi nhiều người tiêu dùng chấp nhận các giao dịch và dịch vụ kỹ thuật số. 

Thật bất ngờ, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đã mở ra cơ hội đẩy nhanh DT giữa các DN vừa và nhỏ của Indonesia, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội thuộc Đại học Indonesia. Nghiên cứu đã khảo sát 1.180 DN vừa và nhỏ tại 15 tỉnh và thấy rằng, 44% đã tham gia các chợ trực tuyến hoặc nền tảng thương mại điện tử trong đại dịch. 

Giám đốc điều hành Monica Christa của Công ty Mỹ phẩm BLP Beauty cho biết, việc chuyển từ thủ công sang hệ thống thanh toán kỹ thuật số đã nâng cao hiệu quả hoạt động đến mức kinh ngạc: “Khi ra mắt thương hiệu vào năm 2016, trang web của chúng tôi đã gặp sự cố do lượng truy cập cao hơn mong đợi. Chúng tôi buộc phải xử lý các khoản thanh toán của mình theo cách thủ công, dẫn đến sự hỗn loạn. Nhằm cứu vãn tình thế, chúng tôi đã khởi chạy lại thương hiệu sau khi đã số hóa toàn bộ hệ thống thanh toán, từ quá trình xử lý đến cổng thanh toán. Trước đây, phải mất hai đến ba ngày để xử lý 200 đơn hàng, không chỉ mệt mỏi mà còn căng thẳng. Giờ đây, chúng tôi có thể xử lý 4.000 đơn đặt hàng/ngày và chúng tôi đang sử dụng ứng dụng của riêng mình”.

Tin cùng chuyên mục