Vi phạm bản quyền điện ảnh: Chủ động ngăn chặn ngay từ đầu

Bất lực, không thể chống đỡ… là phản ứng của các nhà làm phim trước tình trạng vi phạm bản quyền tinh vi, nhức nhối, tràn lan. Hành lang pháp lý, công nghệ chống vi phạm rất cần thiết, nhưng có lẽ việc cần thay đổi nhất hiện nay chính là ý thức và nhận thức về bảo vệ quyền hợp pháp của mình.

Kêu ai, ai cứu?

Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, xới lại chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Từ câu chuyện của đạo diễn Lương Đình Dũng, Võ Thanh Hòa cho đến tâm tư của PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, vẫn đầy tính thời sự.

PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú dẫn chứng một thực tế buồn, nhiều nhóm sinh viên chào hàng đề cương kịch bản phim truyền hình, được tiếp nhận, trả tạm ứng và yêu cầu hoàn thành trong thời hạn 3 tháng. Tuy nhiên, vì thời gian ngắn, họ đề nghị gia hạn thì bị từ chối, yêu cầu thanh lý hợp đồng và ký cam kết không kiện tụng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ phát hiện kịch bản của mình được dựng thành phim, chỉ thay tên bối cảnh, nhân vật. “Trong sáng tạo điện ảnh, việc bị xâm hại bản quyền diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Của đau con xót, họ muốn kêu cứu, nhưng chẳng biết kêu ai”, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.

Đại diện Văn phòng Luật sư Phanlaw cũng chỉ ra rằng, thực tế rất ít tác giả, hoặc chủ sở hữu quyền sớm chủ động thực hiện các thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhằm xác lập quyền của mình. Thậm chí, có nhiều chủ thể quyền lại không đăng ký vào thời điểm tác phẩm được sáng tác, mà đợi đến khi phát hiện tác phẩm của mình bị vi phạm mới thực hiện. Khi đó, việc đăng ký quyền tác giả này gần như không còn giá trị chứng minh. Bên cạnh đó, vẫn có những trường hợp nhầm lẫn giá trị của giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả là giấy xác nhận quyền của tác giả. Từ đó, không chỉ dẫn đến mâu thuẫn với nguyên tắc phát sinh quyền tác giả theo cơ chế bảo hộ tự động, còn khiến các bên tranh chấp lúng túng trong việc chứng minh chủ thể quyền.

Siêu lừa gặp siêu lầy bị phát tán lậu trên nhiều nền tảng. Ảnh: ĐPCC
Siêu lừa gặp siêu lầy bị phát tán lậu trên nhiều nền tảng. Ảnh: ĐPCC

Không thể lơ mơ

Về mặt pháp luật, Việt Nam hiện có Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Điện ảnh, Bộ Luật hình sự cùng nhiều văn bản dưới luật khác. Từ năm 2004 đến tháng 6-2023, Việt Nam đã tham gia 8 công ước, điều ước, hiệp ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.

Bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc lĩnh vực bản quyền và công nghiệp sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), mong muốn sắp tới Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về biểu diễn nghe nhìn để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam, mà còn trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, câu chuyện chống vi phạm bản quyền phải được giải quyết từ gốc mới mong phát huy tác dụng.

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, thừa nhận, điện ảnh Việt xuất thân là điện ảnh cách mạng, nhà nước bảo hộ, bao cấp nên ý thức và truyền thống bảo vệ bản quyền gần như không có. Khi có thị trường điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, điều này mới được chú trọng.

Do đó, trong phần đề xuất của mình, bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh: “Bản thân nhà làm phim phải tìm hiểu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan đến mình để đỡ bị tổn thất. Không thể để tình trạng đến khi bị xâm hại, thiệt thòi mới lên tiếng, thay vì ngay từ đầu có tham gia, tìm tổ chức tư vấn, nghiên cứu, có người đại diện để bảo vệ bản quyền”. Việc nâng cao ý thức, nhận thức này theo bà Ngô Phương Lan cũng cần sự đồng bộ đối với các cấp quản lý và cả xã hội, bởi nó có ảnh hưởng đến cả nền điện ảnh quốc gia. Bà dẫn chứng nhiều hãng phim lớn trên thế giới khi thấy vấn nạn bản quyền ở Việt Nam, rất ngập ngừng không dám đặt văn phòng đại diện hay đầu tư.

Một giải pháp được cả bà Ngô Phương Lan và phía Phanlaw đề xuất là nên có những vụ án thí điểm để mang tính răn đe cao. Phía Phanlaw cho rằng, việc chủ thể quyền khởi kiện bên vi phạm không chỉ là biện pháp xử lý, ngăn chặn hành vi của bên vi phạm. Đó còn là thông điệp cảnh báo cho những đối tượng khác, rằng họ sẵn sàng thực thi quyền của mình để chấm dứt mọi hành vi vi phạm. Ngoài ra, mục tiêu cơ bản khác khi khởi kiện là yêu cầu tòa án buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng. Do đó, những vướng mắc, khó khăn trong việc khởi kiện tại tòa án cũng cần có hướng khắc phục, để các chủ thể quyền có thể thực hiện quyền của mình một cách hiệu quả.

“Các đạo diễn hay nhà làm phim thường chỉ tập trung vào việc làm phim và thực sự không phải ai cũng am hiểu tường tận về pháp luật. Điều này dẫn đến một hệ lụy là sau khi phim phát hành bị vi phạm bản quyền, họ mới cuống cuồng kêu cứu, làm mọi biện pháp để bảo vệ tác phẩm của mình và thường khi đó hiệu quả phòng vệ bản quyền không cao”, đạo diễn Lương Đình Dũng và Võ Thanh Hòa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục