Vietcombank chính thức công bố thông tin về IPO

Vì sao giá khởi điểm là “10 chấm”?

Hôm qua 7-12, tại Hà Nội, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã tổ chức họp báo, chính thức công bố các thông tin liên quan đến đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 26-12 tới.

Theo thông tin công bố của Vietcombank, số lượng cổ phần được bán đấu giá lần này là 97,5 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần), giá khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phần. Khối lượng cổ phần tối đa đăng ký mua khi đấu giá cổ phần trong nước: đối với pháp nhân là 4 triệu cổ phần; đối với thể nhân là 500.000 cổ phần.

Vietcombank cũng công bố một số thông tin liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh của mình trong giai đoạn 2004 - 2006. Cụ thể, tổng tài sản năm 2004 là 120.006 tỷ đồng, tăng lên 166.952 tỷ đồng vào năm 2006; lợi nhuận sau thuế năm 2004 đạt 1.103 tỷ đồng, tăng lên 2.877 tỷ đồng vào năm 2006. Với đặc thù lịch sử, Vietcombank đang tích cực giảm tỷ trọng dư nợ đối với nhóm khách hàng là DNNN, tăng tỷ trọng cho vay nhóm DN ngoài quốc doanh và hộ cá thể. Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank theo chuẩn của Quyết định 493 năm 2006 chỉ còn 2,28%, giảm khá mạnh so với mức 3,44% năm 2005. Các mảng dịch vụ truyền thống Vietcombank có lợi thế như thanh toán quốc tế, kinh doanh thẻ, kinh doanh ngoại tệ đều tăng trưởng tốt. Vietcombank hiện góp vốn dài hạn vào 15 ngân hàng, DN và liên doanh, liên kết với 5 công ty, ngân hàng liên doanh. Sau cổ phần hóa, Vietcombank định hướng xây dựng thành Tập đoàn đầu tư tài chính ngân hàng đa năng, phấn đấu trở thành một trong 70 định chế tài chính hàng đầu của châu Á vào giai đoạn 2015 - 2020. Các chỉ tiêu hoạt động cơ bản đến 2010 như sau: tổng tài sản tăng trung bình 21%/năm, tiền gửi tăng 20%/năm, tín dụng tăng 26%, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ: 2,6%.

Trả lời phóng viên SGGP về cơ sở để đưa ra mức giá khởi điểm 100.000 đồng (“10 chấm”), Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nguyễn Hòa Bình cho biết, mức giá này được thiết lập dựa trên thông tin của cơ quan định giá, cung cầu trên thị trường vào thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, theo ông Bình, Vietcombank cũng căn cứ vào mức giá đấu thành công của các tổ chức tài chính mới thực hiện IPO, như Bảo Việt và PVFC. Kết quả kinh doanh của Vietcombank trong năm 2007 cho thấy, lợi nhuận trước và sau thuế của ngân hàng này đều thấp hơn năm 2006. Ông Nguyễn Hòa Bình giải thích, nguồn thu về lãi của ngân hàng tăng so với năm trước, song thấp hơn chi về lãi, nên tính chung lợi nhuận của năm nay thấp hơn năm 2006. Một lý do khác được lãnh đạo Vietcombank đưa ra là do hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng của tình hình thị trường tín dụng Mỹ không thuận lợi. Theo đó, lượng ngoại tệ trị giá 1,5 tỷ USD của Vietcombank gửi tại ngân hàng nước ngoài đã không thu được lãi cao như mọi năm do lãi suất cơ bản của USD giảm mạnh. “Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng nhiều, hoạt động của Vietcombank vẫn rất ổn định” - ông Bình khẳng định.

Theo phương án IPO của Vietcombank, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mua tối đa 30% trong 6,5% cổ phần đấu giá công khai, tương đương 1,95% trong tổng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng của ngân hàng sau cổ phần hóa. Việc tham gia đấu giá trong đợt IPO này chỉ áp dụng với những tổ chức và cá nhân không nằm trong danh sách các nhà đầu tư chiến lược. Ông Nguyễn Hòa Bình giải thích, tỷ lệ dành cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài dự kiến là 15% - 20%. Theo kế hoạch, đến năm 2009, ngân hàng này sẽ niêm yết tại Singapore hoặc Hồng Công (Trung Quốc) với 10%-15% vốn, trong đó dự kiến chủ yếu nhà đầu tư ngoại sẽ mua số cổ phần này, đưa tỷ lệ cổ phần Vietcombank do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lên tới 25%. Vì thế, theo ông Bình, việc đặt giới hạn “room” của nhà đầu tư ngoại trong đợt IPO nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong nước: “Việc đặt hạn mức này có vẻ phân biệt nhà đầu tư ngoại, song thực tế tạo ra sự cân đối giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục