Vì sao kỳ quan Angkor giảm sức hút?

Nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Siem Reap, Công viên Khảo cổ Angkor được ghi vào Danh sách Di sản thế giới của UNESCO năm 1992, là điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của Vương quốc Campuchia. Tuy nhiên, lượng khách du lịch nước ngoài tới Siem Reap trong thời gian gần đây tiếp tục giảm mạnh và nhiều cơ sở kinh doanh du lịch tại đây đang phải vất vả chống chọi những khó khăn này.

Theo Bộ Du lịch Campuchia, lượng du khách quốc tế tới tỉnh Siem Reap - nơi có khu đền Angkor nổi tiếng thế giới - đạt 1,55 triệu lượt người trong 8 tháng đầu năm 2019, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 8 tháng này, Campuchia chỉ thu được 69,4 triệu USD từ tiền bán vé cho du khách nước ngoài đến tham quan Angkor, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chủ tịch Hiệp hội hướng dẫn tour du lịch đền Angkor, ông Khieu Thy, thậm chí cho rằng lượng khách quốc tế tới tỉnh Siem Reap trong thời gian trên có thể giảm tới 15%-20%. Hiện các văn phòng du lịch ở Siem Reap rất vắng khách và nhiều chủ kinh doanh tour du lịch tại đây đang đối mặt với tình cảnh thua lỗ, có nguy cơ phải đóng cửa.

Một nhân viên làm việc tại khách sạn và spa Lucky Angkor ở thành phố Siem Reap nói rằng công suất phòng tại khách sạn này giảm 30%-40% so với năm ngoái. Khách sạn có tổng cộng 115 phòng và giá phòng không đổi, nhưng trong thời gian từ đầu năm tới nay chỉ có 20 lượt đặt chỗ mỗi đêm. Trong tháng 8, Angkor chỉ đón 158.124 du khách nước ngoài, thu được 7,15 triệu USD từ việc bán vé, giảm gần 22% so với cùng tháng năm ngoái. Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc vẫn là nguồn du khách nước ngoài lớn nhất. Theo thống kê của Bộ Du lịch Campuchia, trong 8 tháng đầu năm 2019, Campuchia đón tổng cộng 4,36 triệu lượt khách nước ngoài, trong đó có 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc. Giới chức Campuchia từng tuyên bố đang nhắm mục tiêu 20 triệu khách du lịch Trung Quốc sẽ đến đất nước này vào năm 2020.

Lý giải nguyên nhân cho sự sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế đến Angkor trong năm nay, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon đã đổ lỗi cho các tour du lịch chi phí 0% (hay còn gọi là tour “0 USD”) do một số nhà điều hành tour tung ra thị trường hồi năm ngoái. Thực chất các tour kiểu này đã làm nản lòng du khách sau khi họ bị đưa đến các khu mua sắm để mua các sản phẩm giá cao. Để bù lại chi phí 0%, các công ty hoặc hướng dẫn viên du lịch sẽ nhận được những món hoa hồng hay “lại quả” từ các chủ doanh nghiệp. Chính hình thức kinh doanh này đã gây tổn hại đến danh tiếng và du lịch của Campuchia.

Bên cạnh đó, theo ông Chhim Narith, Giám đốc chi nhánh Campuchia của Asian Overland Travel, việc tăng giá vé 2 năm trước cũng là một yếu tố góp phần làm giảm lượng khách quốc tế đến địa điểm này. Kể từ tháng 2-2017, giá vé tham quan đền Angkor một ngày đã tăng từ 20 USD lên 37 USD, vé tham quan 3 ngày tăng từ 40 USD lên 62 USD và vé 7 ngày tăng từ 60 USD lên 72 USD. Ngoài ra, có một nhân tố không thể không tính đến là khách du lịch Trung Quốc có khuynh hướng mua tour của các công ty du lịch thuộc sở hữu Trung Quốc, cũng góp phần làm gia tăng sự rò rỉ lợi nhuận từ ngành công nghiệp không khói này.

Tin cùng chuyên mục