Vì sao nước cuối nguồn yếu và bẩn?

Đã có nhiều ý kiến của giới chuyên môn và cả người dân bình thường nhận định về việc nước máy ở TPHCM bị nhiễm bẩn và yếu ở các khu vực cuối nguồn nước, nhưng đến nay ngành cấp nước vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Hãy xem xét lại tình trạng nước máy hiện nay: Nước cuối nguồn thường bị suy yếu, đường ống cuối nguồn thường bị nhiễm bẩn hơn đầu nguồn, nước máy thường bị nhiễm bẩn vào đầu mùa khô mỗi năm, lượng nước máy bị thất thoát cũng gia tăng vào mùa khô hạn. Tại sao chúng ta không nghĩ tới tình trạng nói trên một phần là do nạn ăn cắp nước máy để bán lại cho dân cư ở vùng nước yếu hoặc không có nước máy.

Bọn xấu đã lén lút vào ban đêm, đục sâu vào đường ống dẫn nước chính và nối ống hút vào vị trí thấp nhất của đường ống để ăn cắp nước bán lại cho các hộ gia đình với giá 20.000 - 30.000 đồng 1 mét khối. Để có thể tạo được lỗ hút đúng vào điểm hút được nhiều nước, họ đã phải đục “thăm dò” tạo nhiều lỗ rò rỉ nhỏ.

Chính những lỗ nhỏ này đã góp phần làm nước máy nhiễm bẩn và thất thoát nước (ngoài lượng nước bị ăn cắp), làm cho người dân ở cuối nguồn nước thiếu nước sạch để xài. Những người ăn cắp nước đã tạo nên một “tác động dây chuyền”: Ăn cắp nước làm cho lượng nước máy cung cấp cho người dân bị giảm, đường ống nước bị rò rỉ, hư hỏng, nước bị thất thoát thêm và bị nhiễm bẩn, người dân thiếu nước sạch phải mua của người ăn cắp. Vòng tròn này lại tiếp diễn...

Sự xuống cấp của hệ thống ống nước trong thành phố gây rò rỉ, thất thoát nước là điều có thật, nhưng sự hư hỏng không phải chỉ do thời gian mà còn do sự phá hoại của con người (cố ýù hoặc vô ý trong quá trình sử dụng, quản lý). Trách nhiệm tìm ra thủ phạm và khắc phục sai sót trong quản lý để gây ra tình trạng thiếu nước sạch cho người dân xài là của ngành cấp nước. Đừng bắt người dân, cũng là khách hàng của đơn vị cấp nước, phải kéo dài sự chịu đựng thiệt hại này.

THIỆN NGÔN 
 

Tin cùng chuyên mục