Hậu quả là không chỉ gây nhếch nhác, phản mỹ quan; nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường giờ đây còn kéo theo hàng loạt hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng khác như kẹt xe, va chạm - tai nạn giao thông - án mạng liên tục xảy ra…
Lấn chiếm công khai
Hơn 1 tháng nay, vỉa hè đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (đoạn từ đường Nguyễn Gia Trí đến ngã tư Hàng Xanh) trở nên bát nháo, xô bồ hơn do có nhiều quán ăn, cửa hàng kinh doanh xuất hiện. “Lúc trước, chỉ một số hộ dân bán hàng ăn bày bàn ghế, dù bạt ra vỉa hè, nay có thêm các cửa hàng bán đồ trang trí, cây cảnh bày cả hàng hóa xuống lòng đường. Vỉa hè rộng hơn 5m, nhưng người đi bộ không còn chỗ để bước, phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm”, bà Phạm Thanh Trân, nhà ở hẻm 527 Điện Biên Phủ ngán ngẩm. Theo bà Trân, trước đây các hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để mua bán còn dè dặt, bố trí người canh chừng lực lượng đô thị; nhưng nay họ công khai lấn chiếm cả ngày lẫn đêm; trong khi đó rất ít khi thấy nhân viên đô thị, công an tuần tra, xử lý.
Tại quận Bình Tân, cuộc chiến “đẩy - đuổi” của lực lượng trật tự đô thị vẫn diễn ra mỗi ngày, song hàng rong, xe đẩy vẫn tràn lan, ngổn ngang, không có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Tuyến đường số 7 và quốc lộ 1A (đoạn bên hông Công ty Pouyuen) liên tục bị ùn tắc, kẹt xe kéo dài vào giờ công nhân tan ca. “Hung thủ” chính là các xe đẩy, xe hàng bán thực phẩm, quần áo… đậu kín hai bên vỉa hè và dưới lòng đường. Ngoài ra, hàng loạt tuyến đường khác như: Cao Đạt (quận 5), Lương Hữu Khánh (quận 1), Cửu Long, Lam Sơn (quận Tân Bình), Lý Thường Kiệt (quận 10), Hùng Vương (quận 5, đoạn trước cổng Bệnh viện Đại học Y Dược)… cũng luôn trong tình trạng tương tự.
Gây mất an ninh trật tự
18 giờ 30 ngày 2-12, giao thông trên đường Phạm Hùng, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (đoạn từ nút giao Tạ Quang Bửu đến Nguyễn Văn Linh) bị “tê liệt”, hàng ngàn phương tiện bị chôn cứng. Người đi sau liên tục nhấn còi xe thúc giục người đi trước cố gắng di chuyển nhưng không có kết quả. Một số người bị giục di chuyển không giữ được bình tĩnh đã lớn tiếng, văng tục. Đến gần 19 giờ 30, khi lực lượng cảnh sát giao thông xuất hiện, phối hợp với công an xã, lực lượng trật tự đô thị xử lý, di chuyển các xe bán thịt bò, hải sản, trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở khu vực ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh, tình trạng kẹt xe trên đường Phạm Hùng mới được giải tỏa.
Anh Nguyễn Vinh Quang, nhân viên bảo vệ cửa hàng Thế Giới Di Động (góc đường Phạm Hùng và đường số 5) cho biết, không ngày nào đường Phạm Hùng không kẹt xe. Đặc biệt, từ đầu tháng 11-2019 đến nay, tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng hơn, kéo dài vào các giờ cao điểm sáng sớm và chiều tối. “Nguyên nhân là do hai bên đường, các quán ăn, cửa hàng kinh doanh để hàng hóa bít kín vỉa hè, lòng đường, người mua hàng chạy xe đến đứng tràn ra giữa đường, gây cản trở giao thông, phương tiện không di chuyển được”, anh Quang phản ánh; đồng thời cho biết không chỉ gây kẹt xe, việc vỉa hè đường Phạm Hùng bị lấn chiếm nhiều trong thời gian gần đây khiến không ít khách bộ hành phải đi xuống lòng đường và có trường hợp bị xe máy tông trúng, tử vong.
Nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường không chỉ gây nhếch nhác, phản mỹ quan, gây ùn tắc giao thông mà còn làm mất an ninh trật tự. Đã có nhiều vụ ẩu đả dẫn đến thương tích, chết người do tranh giành chỗ bán hàng rong. Gần đây nhất, ngày 5-9-2019, do giành chỗ bán thực phẩm sống trên lề đường Trịnh Như Khê (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh), Phạm Quốc Trung (39 tuổi, quê Quảng Ngãi) và Nguyễn Bá Sơn (29 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) lao vào ẩu đả, rượt chém nhau. Hậu quả, Sơn bị chém thương tích khắp người, phải chuyển vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Thực tế trên cho thấy, nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ngày càng biến tướng, phức tạp, kéo theo nhiều hậu quả, hệ lụy rất đáng lo ngại. Nếu các chính quyền, ban ngành không có giải pháp căn cơ, hiệu quả thì hậu quả để lại sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Bỏ kiểu xử lý “đầu voi đuôi chuột” |