Viêm não hoành hành

Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc bệnh viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố, với 5 trường hợp tử vong. Mặc dù số bệnh nhân mắc viêm não chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi nhưng gần đây cơ quan y tế cũng đã ghi nhận một số người lớn cũng bị mắc căn bệnh nguy hiểm này. Cùng với đó là sự gia tăng của viêm não Nhật Bản ở trẻ em… Đây là những diễn biến bất thường và nguy hiểm khi bệnh viêm não đang vào giai đoạn cao điểm ở nước ta.
Viêm não hoành hành

Tính đến nay, cả nước đã ghi nhận 325 trường hợp mắc bệnh viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố, với 5 trường hợp tử vong. Mặc dù số bệnh nhân mắc viêm não chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi nhưng gần đây cơ quan y tế cũng đã ghi nhận một số người lớn cũng bị mắc căn bệnh nguy hiểm này. Cùng với đó là sự gia tăng của viêm não Nhật Bản ở trẻ em… Đây là những diễn biến bất thường và nguy hiểm khi bệnh viêm não đang vào giai đoạn cao điểm ở nước ta.

Trẻ em, người lớn đều có nguy cơ nhiễm bệnh

Nằm hôn mê tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nữ bệnh nhân N.H.Y (20 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) bị viêm não Nhật Bản đã nhập viện hơn một tuần và được điều trị tích cực nhưng tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn rất xấu.

BS Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trước đó, bệnh nhân N.H.Y đã có 3 ngày sốt cao, rét run, sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, liệt nửa người. Lúc được đưa vào bệnh viện cấp cứu, chị N.H.Y đã trong tình trạng đờ đẫn, không tiếp xúc, yếu và liệt chân tay, có những cơn co giật, hôn mê sâu và phải đặt thở máy, với tiên lượng rất xấu, kể cả được điều trị khỏi vẫn có thể có di chứng về thần kinh và vận động.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cũng cho biết thêm, ngoài bệnh nhân N.H.Y, trong vòng một tuần qua còn có 2 bệnh nhân nữ khác đều ở Hà Nội bị viêm não Nhật Bản phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Đáng chú ý, qua các xét nghiệm, chẩn đoán cho thấy, 2 bệnh nhân này đều bị tổn thương lan tỏa cả vùng não và tủy sống nên tiên lượng bệnh rất nặng.

Điều trị cho trẻ bị viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Điều trị cho trẻ bị viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trước việc phải tiếp nhận cấp cứu liên tiếp bệnh nhân viêm não Nhật Bản là người lớn, BS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, mặc dù bệnh viêm não Nhật Bản rất ít gặp ở người lớn, nhưng mới đầu mùa bệnh đã có 3 trường hợp là người lớn bị viêm não trong trạng rất nguy kịch là vấn đề rất đáng lo ngại. Hơn nữa, thời điểm hiện nay cũng đã bắt đầu vào mùa cao điểm viêm não do virus vì thế người dân không nên chủ quan, bất cứ trường hợp nào khi có biểu hiện sốt kéo dài, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác thì cần đến bệnh viện ngay để khám và điều trị kịp thời nhằm giảm thiểu tối đa những di chứng do viêm não gây ra.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện đang tiếp nhận điều trị cho trên 129 trẻ bị viêm não virus, trong đó có 46 trường hợp được chẩn đoán xác định là viêm não Nhật Bản tới từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc.

BS Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm cho biết, từ cuối tháng 6 trở lại đây, số trẻ bị viêm não Nhật Bản đang có chiều hướng gia tăng và trong đó có một số ca bệnh nặng phải thở máy. Đáng chú ý, so với các năm trước, tỷ lệ trẻ mắc viêm não Nhật Bản tăng cao hơn bình thường tới gần 20%, tuổi của trẻ mắc bệnh cũng lớn hơn.

Bắt đầu vào cao điểm

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm não, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, viêm não virus là bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên trong đó virus viêm não Nhật Bản là một trong những tác nhân gây bệnh này. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương. Trẻ em dưới 15 tuổi là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa dịch vào các tháng mùa hè và đỉnh điểm là các tháng 6, 7, 8.

Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng, khu vực miền Bắc có số mắc bệnh chiếm 65,8%, miền Trung 12,3%, miền Nam 17,5% và Tây Nguyên 4,4% các trường hợp mắc của cả nước. Các trường hợp mắc bệnh có tính chất rải rác và không có ổ dịch tập trung.

PGS-TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, hiện nay, bệnh viêm não virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, còn bệnh viêm não Nhật Bản chỉ có vaccine phòng bệnh. Vaccine viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997. Đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước tình trạng dịch bệnh viêm não virus trong đó có viêm não Nhật Bản đang vào giai đoạn “cao điểm”, để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, Cục Y tế dự phòng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường sự chỉ đạo chính quyền các cấp, huy động sự tham gia của các ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh và tăng cường đầu tư cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông về phòng chống dịch bệnh mùa hè, huy động sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong việc triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, vệ sinh khu chăn nuôi, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy, lăng quăng.

Thực hiện tốt việc giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân để hạn chế di chứng và tử vong đồng thời chống lây chéo trong các cơ sở điều trị. Đặc biệt tổ chức tốt việc tiêm vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng để đạt tỷ lệ cao và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Về phía người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo để kịp thời nhận biết nguy cơ trẻ bị viêm não, các phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm, theo dõi sát sao các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn khan, nôn không liên quan đến ăn uống, trẻ chậm chạp, quấy khóc, rối loạn ý thức… cần đưa ngay tới cơ sở y tế. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về cho uống dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục