Việt Nam đã loại trừ được gần 1.300 tấn chất HCFC-141b

Từ năm 1994, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước Vienna về bảo vệ tầng ozone và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone của Công ước Vienna. 

Theo đó, Việt Nam là nước đang phát triển có nghĩa vụ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone theo lộ trình được quy định, đồng thời có quyền được nhận hỗ trợ tài chính và công nghệ từ Quỹ Đa phương thi hành Nghị định thư Montreal (thông qua các dự án do các tổ chức quốc tế được ủy thác), nhằm thực hiện các hoạt động loại trừ những chất làm suy giảm tầng ozone.

Theo Bộ TN-MT, thực hiện nhiệm vụ đầu mối được giao, Cục Biến đổi khí hậu đã chủ trì triển khai thành công dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC (hydrochlorofluorobon - được dùng trong các cơ sở làm máy lạnh, điều hòa; các chất khí có gốc clo làm giảm suy giảm tầng ozone) của Việt Nam giai đoạn 1, với kết quả chính là loại trừ tổng số lượng 1.274,6 tấn HCFC-141b (trong đó có 462 tấn HCFC-141b nguyên chất và 812,6 tấn HCFC-141b trộn sẵn trong polyol).

Bên cạnh đó, đã xây dựng phần mềm hệ thống quản lý thông tin xuất nhập khẩu HCFC; biên soạn sách hướng dẫn lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa không khí gia dụng, thiết bị lạnh công nghiệp và điều hòa không khí trung tâm; hướng dẫn, đào tạo cho các cơ quan, tổ chức về kiểm soát xuất nhập khẩu các chất HCFC; giảm sử dụng HCFC và thiết bị có sử dụng HCFC; thực hành tốt khi sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị lạnh và điều hòa không khí, giảm phát thải HCFC ra môi trường.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan và Ngân hàng Thế giới thực hiện dự án với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam loại trừ hoàn toàn các chất HCFC, theo đúng lộ trình loại trừ các chất này do Nghị định thư Montreal quy định.

Tin cùng chuyên mục