Nhấn mạnh yêu cầu cần nâng cao sức cạnh tranh và tính tự cường của các nền kinh tế, ứng phó với thách thức về biến đổi khí hậu và suy giảm tăng trưởng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề xuất 3 ưu tiên hợp tác APEC, gồm: tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh; tận dụng tiến bộ của khoa học - công nghệ phục vụ tăng trưởng bền vững và bao trùm; lấy con người là trung tâm của hợp tác APEC.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa, trái) và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai (giữa, phải) đồng chủ trì phiên khai mạc Hội nghị Bộ trưởng APEC ở San Francisco (Mỹ) ngày 14-11-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu của đoàn Việt Nam được các thành viên chia sẻ, đánh giá cao; đồng thời được thể hiện trong các văn kiện và Tuyên bố của hội nghị. AMM 34 nhất trí APEC cần tăng cường hợp tác xây dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, minh bạch và bao trùm; bảo đảm tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho mọi người dân; tạo điều kiện để người dân tiếp cận giáo dục, đào tạo nghề và việc làm bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Trong các hoạt động bên lề AMM 34, Mỹ và Trung Quốc cam kết lập một nhóm làm việc về khí hậu, trong đó tập trung vào chuyển đổi năng lượng, giảm khí methane, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tăng hiệu quả khai thác các nguồn tài nguyên, phát triển các thành phố phát thải ít carbon và chống nạn phá rừng.
Đây là cam kết trong tuyên bố chung về hợp tác khí hậu được hai nước công bố ngày 15-11. Cũng bên lề AMM 34, Mỹ và Nhật Bản nhất trí sẽ tham vấn chặt chẽ hơn nữa để xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững với hàng hóa có ý nghĩa chiến lược như chất bán dẫn và khoáng sản thiết yếu.