Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC): Hợp tác vì tương lai bền vững

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại San Francisco (Mỹ) từ ngày 11 đến 17-11. Dự kiến, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ phát triển một bộ nguyên tắc chung nhằm thúc đẩy hợp tác mang tính bền vững và bao trùm; đồng thời đảm bảo các nền kinh tế thành viên tiếp tục thực hiện chính sách thương mại của mỗi nước.

3 ưu tiên

Với tư cách là diễn đàn kinh tế hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, Tuần lễ cấp cao APEC nhằm mục đích xây dựng một khu vực kết nối, sáng tạo và toàn diện hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng. Chủ đề năm nay là “Tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”. Các nền kinh tế APEC chiếm gần 40% dân số toàn cầu, tương đương khoảng 3 tỷ người và gần 50% thương mại toàn cầu.

Cảnh sát Mỹ bảo vệ an ninh cho Tuần lễ cấp cao APEC tại San Francisco

Cảnh sát Mỹ bảo vệ an ninh cho Tuần lễ cấp cao APEC tại San Francisco

Mỹ nhấn mạnh cam kết thúc đẩy nỗ lực giải quyết các vấn đề chính như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, thương mại kỹ thuật số, kết nối, cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến đổi khí hậu và môi trường. Các vấn đề xung quanh an ninh lương thực, y tế, chống tham nhũng, số hóa, trao quyền kinh tế cho phụ nữ và hỗ trợ các cộng đồng trước đây chưa được quan tâm và ít được quan tâm cũng sẽ được đưa vào trong chương trình nghị sự dựa trên 3 ưu tiên là: “kết nối, đổi mới và hòa nhập”.

Theo ông Mike Pyle, Chủ tịch Hội nghị quan chức cấp cao APEC năm 2023, chủ đề và các ưu tiên của APEC 2023 phản ánh những gì Mỹ tiếp thu từ các nền kinh tế thành viên và các bên liên quan nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự, chính sách kinh tế thiết thực mang lại lợi ích cho người lao động, doanh nghiệp và gia đình của tất cả các nền kinh tế thành viên.

IPEF và APEC bổ sung cho nhau

Cùng với việc tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC, Mỹ đang tập trung vào Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự Thịnh vượng (IPEF) được Washington khởi động đàm phán từ tháng 5-2022. Các nhà đàm phán từ 14 nền kinh tế thành viên IPEF đang chạy đua để hoàn tất các cuộc đàm phán với những thông báo dự kiến về hợp tác nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, chống tham nhũng và trốn thuế.

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden mong muốn IPEF mang lại lợi ích bổ sung cho APEC. Ông Wendy Cutler, từng là nhà đàm phán thương mại của Mỹ, hiện đứng đầu Hiệp hội châu Á, cho rằng thông qua APEC và IPEF, Mỹ khẳng định tăng cường quan hệ với châu Á; đồng thời là một đối tác kinh tế thân thiết sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Các nền kinh tế tham gia IPEF là Australia, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam. Ngoại trừ Ấn Độ và Fiji, tất cả các thành viên IPEF cũng là thành viên của APEC.

Còn theo ông Christopher Wilson, trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách Nhật Bản, Hàn Quốc và APEC, các nền kinh tế thành viên APEC cũng tham gia IPEF có thể tận dụng Tuần lễ cấp cao APEC để nối tiếp các cuộc thảo luận nhằm sớm đạt được tiến bộ thực chất và thống nhất đối với một số nội dung còn vướng mắc trong các trụ cột của IPEF.

Theo báo Wall Street Journal, Mỹ và Trung Quốc ngày 10-11 chính thức thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau vào tuần tới tại Tuần lễ cấp cao APEC ở San Francisco. Đây sẽ là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo trong vòng một năm.

Tin cùng chuyên mục