Đại sứ Thái Lan:

Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất hàng hóa của ASEAN

Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất hàng hóa của ASEAN

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Kittipong Na Ranong vừa cho biết, thay vì xem Việt Nam là đối thủ cạnh tranh thương mại, Thái Lan nên xem xét cơ hội để biến Việt Nam trở thành nơi sản xuất hàng hóa khi khu vực tự do mậu dịch ASEAN hình thành vào năm 2015.

Theo ông, nguyên nhân là Việt Nam có giá nhân công và chi phí sản xuất thấp. Cũng theo ông, hệ thống giao thông tại các nước trong khu vực hiện nay đã được cải thiện rất nhiều nên việc vận chuyển hàng hóa sang các nước thành viên khác rất dễ dàng.

Theo quy định của khu vực tự do thương mại ASEAN, hàng hóa sản xuất tại một nước thành viên có thể cung cấp cho tất cả các khách hàng trong toàn khu vực ASEAN. Đại sứ Thái Lan cho rằng các doanh nhân Thái Lan nên chuyển cơ sở sản xuất hàng hóa cơ bản sang Việt Nam.

Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất hàng hóa của ASEAN ảnh 1

Một sạp bán trái cây ở chợ Bến Thành, TPHCM, Việt Nam. Ảnh: Reuters

Cũng từ Thái Lan, theo Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, thị trường du lịch Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn. Ước tính năm 2006, số du khách Việt Nam tới Thái Lan đạt 250.000 người, tăng 28% so với năm 2005 mang lại doanh thu 100 triệu USD cho ngành du lịch Thái Lan. Nguyên nhân do nền kinh tế Việt Nam phát triển, sức mua tăng cũng như chính sách mở cửa của Việt Nam và việc giảm bớt các thủ tục cho phép người dân được mang theo nhiều ngoại tệ ra nước ngoài.

* Hôm qua 12-9, Tập đoàn Ngân hàng Hồng Công - Thượng Hải (HSBC) đã công bố bản báo cáo “Việt Nam: Tiến tới tầm cao mới” với nhận định như vậy về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, chỉ số xếp hạng tín dụng ngoại tệ mà HSBC dành cho Việt Nam là BB/ổn định, bằng mức mà Standard & Poor (S&P) dành cho Việt Nam, nhưng cao hơn mức BB- theo đánh giá của Fitch và Moody’s. Theo HSBC, các chuyên gia kinh tế đưa ra chỉ số đánh giá này dựa trên cơ sở sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế, môi trường chính trị ổn định và những tiến bộ trong chương trình cải cách cơ cấu của Việt Nam.

Cũng theo bản báo cáo, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong những năm qua. Trong thập kỷ trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt Nam ở mức bình quân 7,2%.

Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ (với thu nhập đầu người dưới 1 USD/ngày) đã giảm từ mức 51% vào năm 1990 tới mức 8% vào thời điểm hiện tại. Với tình hình đó, HSBC khẳng định rằng, việc Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5% - 8%/năm cho giai đoạn 5 năm tới (2006-2010) là hoàn toàn có cơ sở.  

V.M. - B.M.
(Theo Asia Pulse, Swissinfo)

Tin cùng chuyên mục