Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển

Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển

Năm 2008, Việt Nam – bằng tất cả thiện chí và nỗ lực – đã khẳng định ngày một rõ nét hơn vai trò, vị thế mọi mặt của mình trên trường quốc tế. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế và đặc biệt là chính trị, ngoại giao, sau những chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia vùng Mỹ Latinh, châu Âu, châu Phi, châu Á trong năm 2008, đã chứng minh rất rõ điều ấy.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel duyệt đội danh dự.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel duyệt đội danh dự.

Chuyến công du 9 ngày tại 3 nước châu Âu (Anh, Ireland, Đức) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 3-2008, ngoài các Hiệp định thư quan trọng đã được ký kết, còn mang về cho đất nước nhiều hợp đồng, thỏa thuận hợp tác kinh tế với tổng trị giá gần 4 tỷ USD, trong đó, có thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tổng công ty hàng không Việt Nam, Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí, Ngân hàng đầu tư Việt Nam và công ty Pitgevin Đức về xây dựng khu đô thị Xuân Phương trị giá 1,5 tỷ USD, thỏa thuận mua tàu chở hàng trị giá 400 triệu USD giữa Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam với công ty STA Staholding Und Management, thỏa thuận hợp tác tư vấn phát hành trái phiếu trị giá 500 triệu USD giữa Tập đoàn dệt may Việt Nam với Deutsche Bank…

Tháng 4-2008, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Cộng hòa Mozambique theo lời mời của Tổng thống Armando Emilio Guebuza. Trong lần viếng thăm này, hai bên đã thống nhất quan điểm rằng việc gia tăng trao đổi thương mại và tăng cường đầu tư giữa hai nước sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Đông Nam Á và châu Phi nói chung, hoan nghênh việc mở rộng hợp tác nhiều bên giữa VN và Mozambique với sự tham gia của các bên thứ 3 khác. Trong ảnh: Nhân dân Mozambique chào đón TBT Nông Đức Mạnh.

Tháng 6-2008, chuyến thăm 4 nước châu Âu (Hungari, Bungari, Rumani, Pháp) của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhằm khẳng định một lần nữa: Việt Nam coi Liên minh châu Âu là đối tác rất quan trọng. Tại Pháp, Chủ tịch Thượng viện CH Pháp Christian Poncelet nhấn mạnh với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn  Phú Trọng: Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Pháp trong quan hệ với EU. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Pháp Bernard Accoyer (ngồi, bên trái) và Chủ tịch Quốc hội nước CH XHCN Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (ngồi, bên phải) ký thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước.

Tháng 11-2008, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm chính thức Venezuela theo lời mời của Tổng thống Hugo Chavez (ảnh - bìa trái). Đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước ta tới Venezuela. Tổng thống Hugo Chavez, dịp này, đã trao tặng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết huân chương mang tên người anh hùng Simon Bolivar, huân chương cao quí nhất của Nhà nước Venezuela và đã ký quyết định mở một quỹ trị giá 200 triệu USD nhằm hỗ trợ triển khai các dự án hợp tác giữa hai nước. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký 15 hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó, đáng chú ý là hợp đồng thiết lập liên doanh khai thác dầu khí công suất 200.000 thùng/ngày tại vành đai Orinoco thuộc Venezuela, nơi được coi là khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới…

Với việc khánh thành Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 vào cuối tháng 12-2008, Dự án khí - điện - đạm Cà Mau, 1 trong 3 dự án  lớn của quốc gia giai đoạn 2000–2005, đã đi được 2/3 chặng đường. Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án có 3 tiểu dự án: khí (hoàn thành năm 2006), điện - Nhà máy điện Cà Mau (hoàn thành năm 2008) và nhà máy phân đạm (dự kiến hoàn thành năm 2009) là 1,4 tỷ USD. Với công suất 1.500 MW, Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 đáp ứng 18% nhu cầu điện cả nước, góp phần đảm bảo ổn định năng lượng quốc gia. Quan trọng hơn, như Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định: “Kết quả của các công trình này chứng minh tri thức và nội lực của người Việt Nam đã đủ sức làm chủ các công trình lớn trong công cuộc xây dựng đất nước”.

Hồ tiêu Việt Nam hiện chiếm 60% nguồn cung thị trường quốc tế  và các nhà xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang là một mắc xích trong chuỗi phân phối toàn cầu, có khả năng chi phối giá cả thị trường thế giới.

Nội dung: Hoài Nhi
Ảnh: Trí Dũng - Xuân Tuân - T.X. -
Phạm Thanh - Cao Phong - Lê Nguyễn

Tin cùng chuyên mục