Vĩnh biệt NSND Diệp Lang: Người thầy của nhiều thế hệ làm sân khấu thành phố

Nhìn lại cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi có rất nhiều người thầy, trong đó có anh Hai Diệp Lang.
Vĩnh biệt NSND Diệp Lang: Người thầy của nhiều thế hệ làm sân khấu thành phố

Sáng 12-3, hay tin anh Hai - NSND Diệp Lang qua đời (tại Mỹ), tôi bần thần cả người, cảm nhận sự mất mát khi những đồng nghiệp, người anh, người thầy của sân khấu cải lương lần lượt ra đi. Mấy hôm trước là NSƯT Vũ Linh và nay là anh Hai Diệp Lang…

Năm 1990, tôi chuyển qua hoạt động chủ yếu ở sân khấu cải lương. Đây cũng là thời kỳ hoàng kim của sân khấu cải lương, video cải lương. Tôi đã thực hiện gần 20 vở cải lương, trong đó có 2 tác phẩm lớn là Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, cùng hàng trăm video cải lương đầu tư dàn dựng và sản xuất. Ở tác phẩm sân khấu cải lương hay trong các video cải lương, cả trong nhiều chương trình lễ hội lớn ở TPHCM và các tỉnh thành, đều có sự tham gia biểu diễn của anh Hai Diệp Lang cùng nhiều nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu.

Gắn bó nhiều qua công việc nên hai anh em rất thân nhau. Anh hay chỉ cho tôi những kinh nghiệm sân khấu mà anh tích lũy được từ kinh nghiệm làm nghề mấy chục năm. Tôi nhớ lần cuối cùng anh về Việt Nam, thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tôi và soạn giả Hoàng Song Việt đi uống cà phê cùng vợ chồng anh Hai. Anh Hai tâm sự: “Sức khỏe anh xuống, yếu nhiều, nên lần này anh về Việt Nam chắc là lần cuối”. Tôi thật không ngờ, đó đúng là lần gặp mặt cuối cùng của mấy anh em chúng tôi…

Nhìn lại cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi có rất nhiều người thầy, trong đó có anh Hai Diệp Lang. Có những lúc tôi gặp muôn vàn khó khăn bủa vây, như thời điểm làm Kim Vân Kiều và Chiếc áo thiên nga, lúc đó anh Hai rất tinh tế, biết cái khó của tôi nên anh hay chủ động đến bên cạnh, vỗ vai, động viên tôi: “Ráng lên em! Làm hay lắm! Ráng lên nha em!”. Những câu động viên đơn giản, nhẹ nhàng mà nặng tâm ý. Lời anh Hai chính là năng lượng đặc biệt của một người tiền bối giỏi nghề, dày dạn kinh nghiệm, đã truyền cho tôi tinh thần tích cực mạnh mẽ, cho tôi thấy mình đi đúng hướng, vững thêm niềm tin để hoàn thành tốt nhất công việc đang dang dở của mình.

Tôi học đạo diễn, tôi hiểu sân khấu, tuy nhiên, đối với nghệ thuật cải lương phải là “nghề truyền nghề” thì mới đúng, mới giỏi được. Và anh Hai Diệp Lang, anh Bảo Quốc, chị Hồng Nga, chị Út Bạch Lan, chị Ngọc Giàu, chị Phượng Liên, chị Lệ Thủy... luôn sẵn sàng trao cho tôi và các đồng nghiệp hậu bối, những kinh nghiệm sân khấu cải lương quý giá.

Nhưng rồi theo thời gian, theo quy luật tự nhiên sinh - lão - bệnh - tử, sân khấu cứ mất dần những nghệ sĩ tài hoa, giống như mình mất đi thầy giỏi nghề vậy. Nếu khán giả luôn nhớ đến anh Hai Diệp Lang, một “kép lão”, “kép độc” với những vai diễn đi đến cùng của cảm xúc; thì chúng tôi, những đồng nghiệp, học trò luôn nhớ về anh - một người thầy của nhiều thế hệ làm sân khấu TPHCM - luôn dành xúc cảm chân tình nhất cho sân khấu, cho cuộc đời.

Xin gửi nén tâm nhang thành kính tiễn biệt anh, người thầy của tôi - NSND Diệp Lang.

NSND Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh ngày 4-3-1941, tại làng Bình Tiên, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc (nay là Tân Bình, Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Lên 8 tuổi, ông theo cha là thầy đàn Ba Diệp đi theo Đoàn Cải lương Tam Phụng. Nhưng cha của ông không muốn ông nối nghiệp đàn, vì người đàn chỉ ngồi sau cánh gà sân khấu, nên đã tìm thầy dạy hát cho ông và cho ông học đóng những vai phụ.

Năm 12 tuổi, ông bước lên sân khấu trong vở Lấp sông Gianh của Đoàn Cải lương Kim Thoa, rồi sau đó là Việt Hùng - Minh Chí, đến Phụng Hảo - Ba Vân... với những vai phụ. Nghệ danh Diệp Lang (tức là con của Ba Diệp - cha ông) do soạn giả Nguyễn Huỳnh gọi ông khi ông bắt đầu được đóng vai chính ở Đoàn Cải lương Hoài Dung - Hoài Mỹ.

Năm 1962, Diệp Lang gia nhập đoàn Kim Chưởng, được soạn giả Thu An giao đóng vai ông già 70 tuổi (người cha trong vở Người anh khác mẹ). Đó cũng là vai diễn ghi dấu ấn trong cuộc đời nghệ thuật của ông với Giải thưởng Thanh Tâm năm 1963.

Thời điểm này, ông đã đóng một số vở và rất thành công như: vai Trung sĩ Tám trong Tìm lại cuộc đời, Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, ba của cô The trong Nửa đời hương phấn, ba của Nguyệt trong Tô Ánh Nguyệt, Chu Thiên Cát trong Máu nhuộm sân chùa…

Sau năm 1975, ông gia nhập Đoàn Cải lương tập thể Sài Gòn II, lưu diễn khắp nơi, kể cả những vùng chiến sự như Phnôm Pênh, Xiêm Riệp, Mặt trận 479... Ông được tín nhiệm bầu làm Trưởng đoàn 2-84. Năm 1993, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT; năm 2003, được phong tặng danh hiệu NSND. Trong 50 năm theo đuổi nghệ thuật, bên cạnh sân khấu cải lương, NSND Diệp Lang còn tham gia kịch nói, điện ảnh, đảm nhận vai trò chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn...

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục