Vốn FDI tăng, vẫn băn khoăn về hiệu quả

Thông tin các doanh nghiệp (DN) FDI (đầu tư nước ngoài) lớn như Công ty Heineken Châu Á Thái Bình Dương (Heineken APAC) bị truy thu thuế hơn 800 tỷ đồng; Coca-Cola bị truy thu, xử phạt thuế hơn 800 tỷ đồng… cho thấy việc quản lý hoạt động đầu tư, chống chuyển giá đối với các DN FDI thời gian qua vẫn chưa thật sự phát huy hiệu quả.

Tỷ lệ giải ngân giảm

Trong năm 2019 hoạt động thu hút đầu tư vào Việt Nam đạt con số kỷ lục: 38 tỷ USD. Trong tháng 1-2020, con số này tiếp tục tăng. Theo Tổng cục Thống kê, tháng 1-2020, cả nước có 258 dự án FDI được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4,5 tỷ USD, tăng 454% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi vốn FDI đăng ký mới tăng thì hoạt động góp vốn của các nhà đầu tư và hoạt động mở rộng đầu tư của các DN cũ lại giảm. Chỉ có 77 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 334 triệu USD, giảm gần 2%; 884 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn gần 535 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Điều lo ngại của các chuyên gia lâu nay là vốn đăng ký đầu tư chỉ là vốn ảo, muốn biết thực chất của hoạt động đầu tư phải dựa vào con số vốn giải ngân. Con số vốn FDI đăng ký trong tháng 1-2020 đến 4,5 tỷ USD, nhưng vốn giải ngân của tháng chỉ đạt 1,6 tỷ USD - thấp so tỷ lệ giải ngân trên vốn đăng ký của năm 2019 (đăng ký 38 tỷ USD, giải ngân được 20 tỷ USD). Do vậy, dù vốn FDI đăng ký có tăng nhưng vốn giải ngân thấp thì vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Cần có chính sách chống chuyển giá hiệu quả

Mặc dù chính sách thu hút đầu tư Việt Nam làm rất tốt thời gian qua, như ưu đãi đầu tư, cải cách hành chính tạo thuận tiện cho DN (rút ngắn thời gian đăng ký thành lập DN và thông quan…); gia tăng tính chất tự do hóa kinh doanh và sự bình đẳng kinh doanh thị trường bằng cách cắt giảm từ 49 lĩnh vực xuống còn 6 lĩnh vực hạn chế kinh doanh, thống nhất một Luật Đầu tư và Luật DN cho tất cả các DN, không phân biệt thành phần kinh tế.

Những hoạt động đó đã cải thiện rõ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư trên thế giới đến với Việt Nam. Nhưng, do hoạt động chống chuyển giá thời gian qua không hiệu quả đã dẫn đến các DN lớn nhiều năm đầu tư tại Việt Nam vẫn không nộp thuế. Khi thuế suất thuế thu nhập DN càng cao thì các tập đoàn đa quốc gia càng tìm cách chuyển lợi nhuận về DN mẹ đặt trụ sở ở quốc gia có mức thuế suất thấp nhằm né thuế. Việc chuyển lợi nhuận này được thực hiện thông qua hoạt động vay vốn của công ty mẹ hoặc mua nguyên liệu của công ty mẹ với giá cao - gọi là chuyển giá. 

Dù ngành thuế đã thành lập nhiều phòng chuyên môn chống chuyển giá nhưng hầu như hoạt động không hiệu quả. Chính sách thuế cũng đã có nhiều thay đổi, như điều chỉnh giảm dần thuế thu nhập DN từ mức từ 32% (năm 1999) xuống 28% (năm 2004), 25% (năm 2009), 22% (năm 2014) và 20% (năm 2016). Thế nhưng, hiện tại mức thuế suất 20% vẫn còn quá cao so với những “thiên đường thuế” có thuế suất chỉ 0%-1%... Đó là lý do nhiều DN lớn có doanh số khủng, liên tục mở rộng đầu tư nhưng vẫn báo cáo lỗ để không nộp thuế tại Việt Nam. Nhiều DN sau khi thanh tra đã bị truy thu, xử phạt số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Do vậy, để hoạt động thu hút đầu tư đạt mục đích tăng ngân sách quốc gia, cần sự thay đổi từ chính sách, cần giải pháp mạnh như có thể áp thuế trên nguyên liệu hoặc đánh thuế trên sản phẩm sản xuất ra để hạn chế chuyển giá, cách mà một số quốc gia đã làm. Có như vậy mới hạn chế được DN lách thuế. Đồng thời thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên đối với các DN báo cáo lỗ nhưng vẫn mở rộng sản xuất.

Tin cùng chuyên mục