“Hổ dữ còn không nỡ ăn thịt con”
Có lẽ, đó là câu nói mà nhiều người đã thốt lên khi nghe tin về bất kỳ một vụ án mẹ giết con nào vừa xảy ra. Một thực trạng đáng báo động của xã hội hiện đại hôm nay là những câu chuyện đau lòng này lại cứ tiếp diễn.
Ngày 4-9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cần Giuộc (Long An) đã bàn giao thủ phạm cùng tang vật gây án trong vụ án Võ Thị Thanh Hoàng (SN 1987) sát hại con trai 2 tuổi cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An thụ lý theo thẩm quyền.
Theo điều tra, khoảng 17 giờ ngày 30-8, Hoàng cho con ăn cơm chiều xong rồi cầm dao đâm con nhiều nhát trúng vào vùng bụng, ngực gây thương tích nặng, bất tỉnh tại chỗ. Gây án xong, Hoàng có ý định tự tự nhưng bất thành. Sự việc đau lòng này khởi nguồn từ mâu thuẫn gia đình khi thủ phạm cãi nhau với chồng.
Trên thực tế, đã có nhiều vụ án tương tự xảy ra để lại những hệ lụy đau lòng và ám ảnh. Tháng 7-2018, vụ án Hoàng Thị Sen (SN 1995, quê Hưng Yên) vì trầm cảm nên đã giết con và cháu tại tòa nhà ở khu đô thị Thanh Hà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) cũng đã làm chấn động dư luận.
Những ai từng theo dõi hành trình của chiến sĩ Đậu Thị Huyền Trâm (Hà Tĩnh) đều không khỏi thương tiếc, nể phục người mẹ trẻ ấy. Hay đó là hình ảnh Lê Thị Tú Cẩm (Quảng Ngãi) chỉ còn vỏn vẹn 20 ký khi chống chọi với bạo bệnh nhưng vẫn quyết tâm giữ lại thai nhi vừa 5 tháng tuổi. Họ cũng như bao người mẹ khác, đều sẵn sàng hy sinh, đánh đổi cả mạng sống của mình cho con. Thế nhưng, bên cạnh những người người mẹ với những ước mơ chính đáng và khát khao mạnh mẽ như vậy, vẫn còn đó những người mẹ sẵn sàng ra tay tước bỏ đi mạng sống của đứa con mình mang nặng đẻ đau.
Không lời nào có thể biện minh cho tội lỗi của những người mẹ giết con. Trầm cảm bủa vây, cái chết rất gần. Ranh giới giữa trầm cảm và tự sát, giết người chỉ gần trong gang tấc. Nghe qua, thấy thật phẫn nộ với tội ác tày trời này. Tuy nhiên, có những trường hợp, lắng lòng lại, nghe người mẹ này giãi bày tâm can, phần nào hiểu được nỗi đau không dễ gì san sẻ, chất chứa trong lòng họ. Đã có một số trường hợp, nếu cơ quan chức năng làm rõ nghi phạm bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, thì người mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người".
Nỗi đau còn mãi
Cách đây không lâu, chúng tôi có mặt tại TAND TPHCM trong phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Lan Thảo (SN 1973). Vì tình yêu con một cách mù quáng nên Thảo đã trị bệnh cho con bằng phương pháp mê tín dị đoan.
Phòng xét xử hôm ấy đông nghẹt người. Ai cũng bàng hoàng khi nghe Thảo kể lại sự việc. Thấy con trai bị ngất sau khi dùng dây quấn cổ rồi thắt nút nhưng Thảo vẫn yêu cầu những người bạn siết chặt để “thánh” không hành xác con mình. Thảo là mẹ đơn thân, đứa con trai độc nhất của Thảo đã mãi mãi khép lại cuộc đời mình ở tuổi 15.
Dạo gần đây, số vụ án mẹ giết con không còn đếm trên từng đầu ngón tay nữa mà nó đã trở thành những con số biết nói, những con số mà nhắc đến thì cả xã hội đều phải ngậm ngùi, đau xót. Vụ án Võ Thị Thanh Hoàng đâm con trai mình đến chết vừa mới xảy ra ở Long An chỉ là một phần nhỏ bé trong những con số biết nói.
Trong dư luận, có ai đó tức giận, uất ức; có ai đó muốn những kẻ giết người phải chịu một án phạt thật nặng. Nhưng điều đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của tảng băng kia là bao nhiêu nỗi nhức nhối, bao số phận và bao cuộc đời mà có lẽ người trong cuộc mới là những người hiểu rõ nhất.
Nói về những nguyên nhân dẫn đến các vụ án mẹ giết con, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết: "Thứ nhất, việc mẹ giết con đến từ ý chí chủ quan của người mẹ. Trình độ văn hóa chưa cao, nhiều người đã tiến đến đời sống hôn nhân khi còn quá trẻ nên suy nghĩ khá non nớt và chưa thật sự chín chắn, dẫn đến những hành động đau lòng mà nạn nhân là những đứa trẻ vô tội. Thứ hai, có thể do người mẹ mắc bệnh tật kéo dài dẫn đến bi quan, chán nản, suy nghĩ tiêu cực, muốn dứt bỏ cuộc sống. Khi ấy, người mẹ nghĩ mình không còn sống thì con mình cũng sẽ chịu khổ, không ai lo lắng, chăm sóc và với suy nghĩ “đưa đến sự giải thoát cho con” đã làm cho quyết định của họ đi sai lệch hoàn toàn. Thứ ba, do mê tín dị đoan, bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng, giáo điều thiếu cơ sở. Vì vậy, khi người mẹ bị ảnh hưởng bởi những điều đó, thêm sự ích kỷ của bản thân cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ án đau lòng”.
Cuộc sống xã hội, kinh tế càng phát triển, con người càng đối diện với nhiều căng thẳng, áp lực. Thế nên, nếu chúng ta chỉ nhìn nhận dưới góc độ ý chí chủ quan của những người mẹ nhẫn tâm gây ra những vụ án đau lòng thì phải chăng có phần bất công với họ?
Thật khó để có thể bào chữa cho tội ác của những người mẹ đã ra tay sát hại con mình. Tuy nhiên, khi gia đình, xã hội tạo cho người mẹ quá nhiều những áp lực, những nỗi đau, những mâu thuẫn trầm trọng, họ thường xuyên bị đánh đập, hành hạ, lăng mạ, xúc phạm thì tâm lý của người mẹ ấy sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Và những vụ án mẹ giết con phần nhiều xuất phát từ những lý do như vậy.
“Nếu chúng ta chỉ nhìn nhận hành vi giết con của những người mẹ ở một góc độ, tỏ thái độ khinh miệt, oán trách, ghét bỏ họ, cho họ là những con người ích kỷ, xấu xa thì có lẽ ta nên nhìn lại đằng sau những hành động nhẫn tâm đó là biết bao những nỗi đau mà khó ai có thể thấu hiểu của người làm mẹ”, luật sư Võ Đan Mạch nhấn mạnh.