Vụ án kinh hoàng xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường khi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường phẫu thuật nâng ngực làm chết khách hàng, sau đó phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng khiến dư luận phẫn nộ. Sau khi vụ án xảy ra, mặc dù từ chối trả lời trực tiếp các câu hỏi của phóng viên báo chí, nhưng trước sức ép của dư luận, ngày 26-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) đã có văn bản trả lời báo chí về những vấn đề dư luận quan tâm xung quanh vụ việc này…
* Với tư cách là người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng cảm nhận như thế nào khi nhận được thông tin bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thực hiện phẫu thuật làm chết khách hàng sau đó phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng?
* Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN: Trong mấy ngày vừa qua, dư luận xã hội vô cùng bàng hoàng trước thông tin về hành động phi nhân tính của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xác nạn nhân - là khách hàng của Thẩm mỹ viện Cát Tường, xuống sông Hồng. Không riêng bản thân tôi, mà tất cả cán bộ, nhân viên trong ngành y tế điều trải qua các cung bậc cảm xúc trước sự việc trên, từ chỗ thấy choáng váng, sốc, đến phẫn nộ, đau xót và buồn. Chúng tôi cảm thấy choáng và sốc vì không thể tưởng tưởng nổi một bác sĩ lại có thể hành động như vậy, phẫn nộ vì vị bác sĩ này đã phản bội lời thề Hepocrat, bất tuân luật pháp và các quy định, sai phạm về pháp luật - hoạt động không phép, hành nghề không đúng chuyên khoa, vi phạm nghiêm trọng quy chế chuyên môn, làm liều dẫn đến tử vong cho nạn nhân.
Việc vứt xác nạn nhân xuống sông Hồng phi tang là một hành động mất nhân tính. Chúng tôi cũng cảm thấy buồn và đau xót vì một cán bộ trong ngành, còn trẻ, được đào tạo, có một con đường rộng mở phía trước, đã phạm một sai lầm không thể tưởng tượng nổi.
Tôi cũng cảm thấy đau xót và buồn cho nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, vì muốn làm đẹp đã phải trả giá bằng mạng sống. Gia đình chị đã mất đi một người con, một người vợ, một người mẹ. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nạn nhân về những đau thương, mất mát này.
Để xảy ra sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về nhiều phía, trước hết là của chính cá nhân người vi phạm, của các cấp sở tại và quản lý ngành. Cá nhân bác sĩ Tường đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức cơ bản của một con người nói chung và đạo đức của người thầy thuốc nói riêng; hành vi trên thể hiện ý thức rất kém trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp. Việc quản lý không chặt chẽ, sát sao của cơ quan chức năng và chính quyền các cấp đã dẫn đến việc không ngăn chặn kịp thời các vi phạm.
* Sau vụ việc vô cùng ầm ĩ trên, cả Bệnh viện Bạch Mai và Sở Y tế Hà Nội đều có ý lẩn tránh trách nhiệm khi cho rằng không biết Thẩm mỹ viện Cát Tường và không biết bác sĩ Tường làm việc tại thẩm mỹ này. Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về việc này?
* Thẩm mỹ viện Cát Tường (số 45 Giải Phóng) được Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp giấy đăng ký kinh doanh ngày 3-5-2013, hành nghề kinh doanh là dịch vụ khám chữa bệnh chuyên khoa ngoại, phẫu thuật tạo hình. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, cơ sở Thẩm mỹ viện 45 Giải Phóng vẫn chưa được Sở Y tế Hà Nội cấp giấy phép hoạt động chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ.
Luật khám bệnh, chữa bệnh cho phép các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề được làm ngoài giờ ở các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Họ cũng có thể đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh tư nhân với điều kiện cơ sở đó phải được cấp giấy phép hoạt động. Khi làm các thủ tục xin phép, họ phải báo cáo với cơ quan quản lý cán bộ. Trường hợp của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, có thể bác sĩ Tường không báo cáo với Bệnh viện Bạch Mai, nên bệnh viện không biết bác sĩ có cở sở kinh doanh trên. Nội dung này chúng tôi sẽ thẩm tra thêm.
Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14-11-2011 của Bộ Y tế Hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định rõ: Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng tại chuyên khoa đó. Và phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ “Không được phẫu thuật tạo hình như nâng ngực; nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể”... Như vậy, bác sĩ Tường đã cố tình làm sai pháp luật, sai quy chế chuyên môn trong việc thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở phòng khám không có giấy phép hoạt động, bản thân bác sĩ không có chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ và sai phạm nghiêm trọng trong việc tiến hành phẫu thuật bị cấm ở các phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, đó là nâng ngực, lấy mỡ cơ thể.
* Thanh tra Sở Y tế có trách nhiệm cụ thể như thế nào, thưa Bộ trưởng?
* Điều 5, Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh, trong đó nêu rõ: “Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh”. Tuy nhiên UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi địa phương. Do đó, theo quy định của luật, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Y tế, Phòng Y tế và chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý các hoạt động y tế trên địa bàn, bao gồm cả các hoạt động hành nghề y tư nhân. Về phần mình, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát chính sách, cơ chế quản lý ngành y tế, để phát hiện những bất cập và chấn chỉnh kịp thời.
* Trước thực trạng thẩm mỹ viện chui hoạt động tràn lan, tới đây, Bộ trưởng sẽ có động thái chấn chỉnh như thế nào?
* Để chấn chỉnh các hoạt động y tế tư nhân, trong đó có hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ viện, ngay từ cuối năm 2012, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác khám bệnh, chữa bệnh cả trong khu vực công lập và ngoài công lập trên toàn quốc, đặc biệt là ở TPHCM và Hà Nội.
Bộ Y tế cũng đã công khai danh sách của các cơ sở vi phạm, trong đó có cả các cơ sở thẩm mỹ. Trước tình hình hoạt động không giấy phép của một số cơ sở thẩm mỹ, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với với cơ quan chức năng rà soát lại công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế các tỉnh, thành phố. Đồng thời sẽ xem xét đề xuất những chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi vi phạm. Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát các chính sách, cơ chế quản lý ngành, phát hiện những bất cập trong quản lý hành nghề y tư nhân, nhằm chấn chỉnh kịp thời.
* Sau vụ việc này, Bộ Y tế sẽ có những động thái nào để giáo dục y đức, quản lý cán bộ nhân viên hành nghề tư nhân?
* Cá nhân tôi, khi được báo cáo vụ việc này cũng vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ. Không thể chấp nhận được hành động của bác sĩ này và cũng không thể phủ nhận là còn một số cán bộ y tế có hành vi sai trái và biểu hiện xuống cấp về đạo đức. Nhưng đây là trường hợp cá nhân, ngành y còn vô vàn những bác sĩ tận tâm với nghề, ngày đêm hết mình cứu sống bệnh nhân.
Bộ Y tế đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm khắc với những cán bộ y tế thiếu thái độ y đức.
NGUYỄN QUỐC
Tạm dừng lặn tìm xác nạn nhân Ngày 26-10, ông Doãn Quốc Hưng phụ trách đội thợ lặn của Trường Trung cấp Nghề Giao thông vận tải cho biết, sau hơn một ngày tìm kiếm không có kết quả, đội thợ lặn đã quyết định tạm dừng lặn xuống đáy sông Hồng để tìm xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền, người đã bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt xuống sông Hồng đêm 19-10. Trước đó, trong ngày 25-10, đội thợ lặn gồm 16 người đã thay nhau ngụp lặn liên tục tại khu vực dưới chân cầu Thanh Trì (Hà Nội) với hy vọng tìm được thi thể nạn nhân xấu số. Sau nhiều ngày tìm kiếm không có kết quả, phía gia đình chị Huyền đã bày tỏ mong muốn, cơ quan điều tra tiến hành lấy lại lời khai của bác sĩ Tường và người bảo vệ, để xác định rõ hơn vị trí mà các đối tượng đã phi tang xác chị Huyền. KHÁNH NGUYỄN |
Ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Vẫn có một số bộ phận suy thoái về y đức
(SGGP).- Vụ bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai phi tang xác bệnh nhân nói riêng, y đức nói chung đã trở thành vấn đề nóng nhất tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ hôm qua, 26-10.
Trả lời câu hỏi tại sao đến thời điểm này, Chính phủ chưa có chỉ đạo nào về sự kiện bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai phi tang xác bệnh nhân, ông Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết đối với vụ việc này, Chính phủ nhận thông tin từ báo chí trước, sau đó yêu cầu Bộ Y tế báo cáo và bộ đã báo cáo. “Không phải Chính phủ chưa có văn bản chỉ đạo, mà Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng phụ trách về lĩnh vực này yêu cầu các tỉnh thành rà soát về hệ thống trung tâm thẩm mỹ viện cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”, ông Đam khẳng định.
Cũng theo ông Vũ Đức Đam, ngành y tế vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, trong số 400.000 cán bộ nhân viên y tế, có 60.000 bác sĩ. Trong đó vẫn có một số bộ phận suy thoái về y đức, gây mất lòng tin của xã hội. Ai cũng lên án, đau xót, nhất là đông đảo những người làm ngành y chân chính. Hành vi phi tang xác bệnh nhân đương nhiên sẽ được xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Xét về mặt đạo đức của một thầy thuốc, hành vi này càng đáng lên án. Quan trọng hơn là ngành y tế phải tăng cường công tác quản lý để công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tốt hơn, nhất là vấn đề y đức.
Trả lời câu hỏi Bộ trưởng nghĩ thế nào về ý kiến của cộng đồng mạng về việc Bộ trưởng Bộ Y tế nên từ chức, ông Đam cho rằng bất kỳ người dân nào, không chỉ là Bộ trưởng Bộ Y tế, khi nghe đến hành vi mất nhân tính thì trong lòng đều phẫn uất và nhiều cảm xúc. Ngay tại kỳ họp Chính phủ lần này, chúng tôi thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến rất khổ sở, khổ tâm. Điều quan trọng nhất là khi đảm đương một cương vị, nhất là Bộ trưởng (được Đảng phân công, được Quốc hội - cơ quan đại diện cho ý chí nhân dân phê chuẩn) thì mỗi người đều cố gắng bảo đảm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Ông cũng cho rằng không phải cứ một sự việc cụ thể thì người Bộ trưởng nghĩ ngay đến việc từ chức hay không, mà đầu tiên là phải nghĩ tại sao tình hình lại như vậy, do khách quan hay chủ quan, do yếu kém ngành trong thời kỳ mình chỉ đạo hay của nhiều thời kỳ dồn lại, để từ đó làm sao có quyết tâm chấn chỉnh.
Ông Đam cũng nói, không phải vụ việc này, mà nhiều vụ việc khác của ngành y tế đã gây phẫn nộ trong người dân. “Có những vụ việc rùng rợn về mặt đạo đức (cả năm 2013 có khoảng 1.350 vụ giết người), trong số này có những vụ thuộc quản lý của ngành này hay ngành khác, kể cả trong giới báo chí cũng có người vi phạm hình sự. Chúng ta đều phải nghiêm khắc xử lý. Vấn đề là thời gian tới các ngành cần có những giải pháp tốt hơn”, ông Đam chia sẻ.
PHAN THẢO
>> Vụ bác sĩ phi tang xác khách hàng xuống sông: Thợ lặn chưa tìm được chị Huyền
>> Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Nhiều cơ quan phải chịu trách nhiệm