° Thủ đô Kathmandu dịch chuyển 3m trong 30 giây
Tính đến ngày 27-4, số người tử vong trong trận động đất kinh hoàng 7,8 độ richter vừa xảy ra tại Vương quốc Nepal đã lên tới hơn 4.000 và hơn 7.000 người bị thương. Hiện do không còn chỗ trong bệnh viện, bệnh nhân bị thương sau trận động đất được chuyển ra ngoài sân, hành lang, bãi đỗ xe để chữa trị.
Cũng trong ngày 27-4, hàng trăm nạn nhân thiệt mạng vì trận động đất ở Nepal được hỏa thiêu gần ngôi đền nổi tiếng Pashupatinath ở Thung lũng Kathmandu. Theo Times of India, các nạn nhân thiệt mạng vì động đất tập trung chủ yếu ở đây nên áp lực dồn vào khu vực hỏa táng đạo Hindu này là rất lớn. Trong khi đó, tại đỉnh núi Everest, ngày 27-4, lở tuyết liên tục xảy ra sau những trận dư chấn mạnh 6,7 độ richter, gây cản trở quá trình cứu hộ hàng trăm khách du lịch leo núi đang mắc kẹt.
Hàng trăm nạn nhân được hỏa thiêu khẩn cấp tại ngôi đền Pashupatinath bên bờ sông Bagmati River, ở Kathmandu.
Thủ tướng Nepal Koirala đã kêu gọi người dân hiến máu để cứu người bị thương, đề nghị doanh nhân mở các kho dự trữ để giảm tình trạng thiếu cung ứng lương thực, đồng thời chỉ thị cho tất cả các cửa hàng dược phẩm gần bệnh viện tiếp tục hoạt động bình thường. Chính phủ Nepal cũng kêu gọi đóng góp cho Quỹ cứu trợ thiên tai nhằm góp phần khắc phục hậu quả động đất.
Chạy đua với thời gian, các nước trên thế giới đang tăng cường nỗ lực trợ giúp Nepal khắc phục hậu quả thảm khốc trong thiên tai này. 70 nhân viên cứu trợ Mỹ mang theo 45 tấn hàng hóa, chủ yếu là thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, ngày 27-4 đã đến Nepal bằng máy bay vận tải quân sự. Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cùng ngày cho biết 2 máy bay Nga chở đội cứu hộ gồm hơn 90 chuyên gia, cùng thiết bị và hàng hóa cứu trợ đã đến Nepal. Các nước Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Algeria, Singapore, Israel đều đã cử lực lượng cứu hộ giúp Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất lịch sử.
Ủy ban châu Âu ngày 26-4 đã giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu EUR (3,25 triệu USD) cho Nepal. Anh đã chi 5 triệu bảng (7,6 triệu USD) hỗ trợ giải quyết hậu quả trận động đất ở Nepal. Các nước Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy cũng đã cam kết viện trợ cho Nepal.
Đài truyền hình NHK của Nhật Bản ngày 27-4 đưa nhận định của Phó giáo sư Yagi Yuji, thuộc Trường Đại học Tsukuba (Nhật Bản), theo đó, sự chuyển động dọc vết đứt gãy địa chất dài khoảng 150km, rộng khoảng 120km, có thể là nguyên nhân gây ra trận động đất mạnh 7,8 độ richter ở Nepal.
Để đưa ra nhận định trên, Phó giáo sư Yagi Yuji đã phân tích dữ liệu về trận động đất thu được từ nhiều địa điểm quan sát trên thế giới. Kết quả cho thấy động đất xuất hiện gần ranh giới giữa lục địa Á-Âu và mảng kiến tạo Ấn-Australia. Phó giáo sư Yagi nói rằng sự chuyển động này kéo dài khoảng 70 giây, từ tâm chấn lan theo hướng Đông - Đông Nam và sự trượt nghiêng lên tới 4,1m ở đó có khả năng là nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại lớn vừa qua.
Còn báo Sydney Morning Herald dẫn phân tích của nhà địa chất học nổi tiếng Roger Bilham thuộc Đại học Colorado (Mỹ) cho biết, thủ đô Kathmandu của Nepal đã dịch chuyển 3m trong vòng 30 giây trong trận động đất ngày 25-4. Ông Bilham cho biết tâm chấn của trận động đất không quá sâu và nằm rất gần thủ đô Kathmandu, nên đã gây hậu quả khủng khiếp .
XUÂN HẠNH
Tình hình công dân Việt Nam tại Nepal Ngày 27-4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, qua liên lạc với Trung tâm Cứu trợ khẩn cấp AIG Travel Guard cũng như nhiều kênh thông tin khác nhau, Đại sứ quán đã xác định được một số nhóm người Việt Nam đã an toàn sau trận động đất hôm 25-4, cụ thể: 1. Nhóm 6 người gồm Nguyễn Huệ Phương, Phạm Hồng Yến, Đỗ Như Huệ, Huỳnh Thị Minh Trang, Trung Liên Cương và Vũ Thị Quỳnh Như đang ở tại một doanh trại quân đội ở Uttar Dhoka Road (Kathmandu). Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã hỗ trợ nhóm người này liên hệ với Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu và trở về New Delhi trong ngày 27-4. 2. Nhóm 2 người đi du lịch Lumbini (Nepal) là Trương Bảo Hân, và Phạm Thanh Tùng hiện vẫn an toàn. 3. Nhóm 5 người gồm Nguyễn Thị Minh Châu, Lợi Hồng Thanh, Đoàn Thị Diễm Chi, Nguyễn Đình Tấn Vũ, Lưu Lê Minh Khải. Đến trưa ngày 27-4, nhóm này đã được trực thăng cứu hộ đưa về Đại sứ quán Ấn Độ tại Kathmandu để sớm trở về New Delhi. 4. Nhóm sư thầy và sư cô, Nguyễn Thế Nghĩa và Trần Hoàn Anh hiện đang an toàn tại Kathmandu. 5. Nhóm 2 người Quách Thùy Linh và Trần Hồng Ngọc đi du lịch từ ngày 18-4 đến 3-5 vẫn đang giữ được liên lạc với gia đình. Hiện 2 người này đang ở P-House, Lobuche. 6. Chùa An Việt Nam Phật quốc tự của thầy Thích Huyền Diệu tại Lumbini (Nepal) hiện vẫn an toàn và không hư hại gì. 7. Nhóm 5 người trong đó có Nguyễn Hà Cẩm Tú, sinh ngày 4-11-1980 đi du lịch theo tour, lần liên lạc gần nhất vào ngày 22-4-2015; Đoàn Ngọc Tiến hộ chiếu số B6919607 rời Việt Nam đi du lịch từ ngày 17-4-2015 theo tour của Công ty Annapurna Circuit Trek; Nguyễn Hồ Huyền Trinh, Cao Thị Hồng Nhung và Huỳnh Quốc Huy đi theo tour của AIG. Những nhóm hiện đang tiếp tục xác định hiện trạng với Nepal, bao gồm: Nhóm 2 người gồm Nguyễn Phương Thanh và Nguyễn Mạnh Linh đi du lịch tại Nepal và nghỉ tại Blue Mountain Homestay. Vợ chồng anh Phạm Duy Khánh và Nguyễn Thị Thanh Mai sang sinh sống tại Kathmandu gần 2 năm. THÀNH NAM |
>> Quốc tế chung tay cứu trợ
>> Chính phủ Nepal kêu gọi người dân chung sức chung lòng