“Vũ khí” góp phần ngăn dịch bệnh

Trong bức tranh Covid-19 u ám, một điểm sáng xuất hiện tại Pháp là dịch cúm mùa gây ra bởi virus cúm thông thường không diễn ra vào cuối tháng 12 - đầu tháng 1 như thường lệ. 
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Toulouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Báo cáo của cơ quan y tế Pháp công bố mới nhất hồi trung tuần tháng 2 cho hay chỉ ghi nhận khoảng 20 ca, trong đó có ít nhất 2 ca nhập cảnh. Không có bệnh nhân nào phải nhập viện vì biến chứng của cúm mùa, trong khi hàng năm vẫn có hàng ngàn trường hợp tử vong. Viêm phổi ở trẻ em cũng giảm, chỉ có bệnh sởi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn như bình thường.

Tờ Le Figaro dẫn ý kiến của một số chuyên gia cho hay chính các biện pháp giới nghiêm, mang khẩu trang và giãn cách xã hội đã ngăn nạn cúm không diễn ra tại xứ sở lục lăng. Thái độ của người dân Pháp đã thay đổi hẳn từ khi virus SARS-CoV-2 tấn công. Theo một bài viết trên tạp chí Frontiers in Psychology, có đến 95% người dân Pháp tuân thủ các khuyến cáo của chính phủ về chống dịch, quy trình vệ sinh áp đặt tại các trường học đã mang lại hiệu quả. Rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, thông khí… đã giúp cứu được nhiều mạng người, làm nhẹ bớt gánh nặng ở các bệnh viện.

Trước Pháp, bộ phận cúm thuộc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ cũng từng cho biết tỷ lệ lây nhiễm cúm mùa trong năm 2020 ở nước này giảm đáng kể so với năm trước. Kết quả này có được là nhờ các biện pháp đeo khẩu trang, giãn cách xã hội… được áp dụng để ngăn dịch Covid-19 lây lan.

Lâu nay, nhiều nước phương Tây quan niệm không bị bệnh, đeo khẩu trang là bất bình thường. Các cơ quan y tế của nhiều nước cũng khuyến cáo chỉ đeo khẩu trang khi có bệnh để ngăn ngừa lây nhiễm cho cộng đồng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm họ phải thay đổi suy nghĩ về chiếc khẩu trang bé nhỏ nhưng vô cùng hữu ích này khi nó đã chứng minh được là một trong những “vũ khí” góp phần ngăn chặn lây lan của dịch bệnh, bên cạnh các giải pháp khác.

Giáo sư Antoine Flahault của Trường Đại học Geneva (Thụy Sĩ) hy vọng các biện pháp pháp phòng dịch Covid-19 hiện nay sẽ trở thành thói quen lâu dài đối với mỗi người dân trên toàn cầu mỗi khi xảy ra những đợt cúm mùa trong tương lai và cho rằng những thói quen tốt trên là “di sản của đại dịch Covid-19”.

Tin cùng chuyên mục