Vụ lo ngại “xóa sổ” công trình văn hóa, thể thao ở Phú Yên: Chọn cách làm thận trọng, hài hòa

Sau bài viết “Lo ngại “xóa sổ” công trình văn hóa, thể thao ở Phú Yên”, PV Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến phản hồi, củng cố thêm thông tin từ các ngành chức năng tỉnh, cựu lãnh đạo, chuyên gia...

Vừa qua, Báo SGGP đã có bài viết “Lo ngại “xóa sổ” công trình văn hóa, thể thao ở Phú Yên”, đăng ngày 11-11-2023, phản ánh những lo ngại xoay quanh việc UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo lên phương án bàn giao sân vận động tỉnh, nhà thi đấu Lê Trung Kiên và nhà hát Diên Hồng trực thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh cho UBND TP Tuy Hòa quản lý, sử dụng. Sau bài viết, PV Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến phản hồi, củng cố thêm thông tin từ các ngành chức năng tỉnh, cựu lãnh đạo, chuyên gia...

Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cấp tỉnh

Ông Nguyễn Đình Thu, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, nhìn nhận, qua bài viết, các công chức, viên chức, người lao động ở 2 trung tâm tâm tư, nguyện vọng và trăn trở là đúng và chính đáng. Bởi, cơ sở đang hoạt động bình thường nếu chưa có cơ sở mới mà đưa về thành phố thì rất khó cho họ. “Tôi được biết, hiện tỉnh đang bàn bạc cơ chế, vừa để hài hòa khi đưa về thành phố mà vẫn duy trì hoạt động thể thao, văn hóa tỉnh. Tôi tin rằng, lãnh đạo tỉnh sẽ bàn trên dưới kỹ lưỡng, phù hợp để anh em yên tâm cống hiến”, ông Thu cho biết.

Từ năm 2006, UBND tỉnh Phú Yên đã quy hoạch xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao (TDTT) tỉnh. Ban đầu, khu liên hợp được quy hoạch 32ha đất ở đường Lê Duẩn, TP Tuy Hòa với tổng vốn 258 tỷ đồng (2 giai đoạn đầu tư, từ 2006-2020). Đến năm 2020, khu liên hợp này được điều chỉnh, chuyển đổi quy hoạch lên phía Tây TP Tuy Hòa, giáp với huyện Phú Hòa. Nhưng đến nay, kéo dài 17 năm, khu liên hợp này vẫn chỉ ở diện quy hoạch… treo. Ngoài ra, tại Quyết định số 631/QĐ-UBND ngày 13-4-2015 của UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt dự án quy hoạch phát triển TDTT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, giai đoạn 2015-2020, sau khi triển khai đầu tư mới Khu liên hợp TDTT của tỉnh, hoàn tất thủ tục chuyển toàn bộ khu sân vận động và nhà thi đấu Lê Trung Kiên cho UBND TP Tuy Hòa quản lý.

Ông Hồ Văn Tiến, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên cũng kể lại những chỉ đạo, quy hoạch, chiến lược phát triển thể thao, văn hóa rất đúng đắn, xứng tầm của lãnh đạo tỉnh các nhiệm kỳ trước. Qua đó, ông Tiến cho rằng, đến nay tỉnh vẫn chưa đầu tư được cơ sở lớn hơn phục vụ thể thao, văn hóa cấp tỉnh thì nên chậm việc bàn giao lại và ưu tiên cho hoạt động Sở VH-TT-DL tỉnh. Hiện, 2 trung tâm, nhất là Trung tâm Văn hóa điện ảnh rất quan trọng, hàng năm tổ chức rất nhiều cuộc biểu diễn, tuyên truyền lưu động về văn hóa nghệ thuật và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân miền núi, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, bàn giao nên cẩn trọng, hài hòa và ưu tiên đầu tư trước cơ sở cho cấp tỉnh. Khi bàn giao, nếu được, tỉnh nên tham vấn ý kiến Bộ VH-TT-DL bởi 2 trung tâm trên hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các thông tư Bộ VH-TT-DL.

Sân vận động Phú Yên là nơi tập luyện, đào tạo cho hàng trăm VĐV, HLV của thể thao tỉnh nhà
Sân vận động Phú Yên là nơi tập luyện, đào tạo cho hàng trăm VĐV, HLV của thể thao tỉnh nhà

Tỉnh đang tìm cơ chế

Sau khi Báo SGGP có bài phản biện, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, Sở VH-TT-DL tỉnh này đã làm việc trực tiếp với PV Báo SGGP để trao đổi nhằm bổ sung thêm một số thông tin và chỉ đạo của tỉnh này.

Theo ông Lê Hồng Phú, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, hiện UBND tỉnh Phú Yên đã giao đơn vị này làm việc cụ thể với UBND TP Tuy Hòa và các bên liên quan, đề xuất cơ chế để sau khi bàn giao 3 cơ sở trên cho UBND TP Tuy Hòa quản lý, sử dụng thì Sở VH-TT-DL tỉnh vẫn tiếp tục sử dụng các cơ sở này.

Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên cung cấp thêm Báo cáo số 3109/ BC-SVHTTDL (ngày 24-10-2023 của sở) thể hiện việc quản lý sử dụng sân vận động tỉnh, nhà thi đấu Lê Trung Kiên trong thời gian qua của Trung tâm Huấn luyện thi đấu TDTT tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. 2 cơ sở này đang hoạt động theo điều kiện, đảm bảo tiêu chí thiết chế văn hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch (tại Quyết định số 1752/QĐ-TTg, ngày 30-9-2013 phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Quyết định 1752). Vì vậy, duy trì tiêu chí hiện nay về công trình thể thao cơ bản cấp tỉnh (gồm 2 cơ sở trên) là điều kiện phải đảm bảo cho hoạt động cần thiết đối với 2 trung tâm.

Cũng tại cuộc làm việc với Sở VH-TT-DL tỉnh, PV Báo SGGP đã đặt một số câu hỏi, vấn đề cần làm rõ thêm, như: Vì sao UBND tỉnh chỉ đạo phương án bàn giao các cơ sở trên? Khi có chỉ đạo của tỉnh, sở đã nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, nhân viên để làm công tác tư tưởng, công khai, đối thoại chưa? Việc bàn giao trên ảnh hưởng, không đảm bảo tiêu chí thiết chế thể thao cấp tỉnh theo Quyết định 1752, Sở VH-TT-DL có đánh giá để tham mưu với cấp trên?

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh cho biết, những vấn đề này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh nên chưa trả lời báo chí được. Ngoài ra, sau bài viết, chúng tôi nhận được thêm nhiều ý kiến bạn đọc, cán bộ, chuyên gia, người hoạt động lĩnh vực văn hóa, thể thao ở Phú Yên cho rằng, với quyết sách lớn như trên thì lãnh đạo UBND tỉnh cần đối thoại, thông tin công khai rộng rãi và làm công tác tư tưởng để tạo đồng thuận cao rồi mới lên phương án triển khai.

Trao đổi qua điện thoại với PV Báo SGGP, ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, phản hồi: Có lẽ “anh em” (cán bộ, công nhân viên các trung tâm - PV) chưa hiểu hết, việc bàn giao này cho TP Tuy Hòa quản lý để tốt hơn. Lãnh đạo UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan giải thích rõ hơn cho nhân viên, vận động viên thấu hiểu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin thêm, đã giao ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này chỉ đạo sự việc trên và giải thích, nói rõ để cán bộ, nhân viên, vận động viên các trung tâm hiểu rõ ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Tin cùng chuyên mục