Vụ tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt: Doanh nghiệp quay sang buộc tội ngư dân

19 chủ tàu vỏ thép hư hỏng, rỉ sét đã có báo cáo thiệt hại, yêu cầu phía doanh nghiệp hỗ trợ, đền bù trên 36,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương quay lại, tuyên bố: “Máy ổn định, vỏ thép ổn định, không bồi thường”.

Không phải mới đây, trước đó nhiều lần các lãnh đạo doanh nghiệp này tỏ ra bất hợp tác, thậm chí quay lại như buộc tội, đòi kiện ngư dân và cả Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Công ty Đại Nguyên Dương hăm kiện ngư dân

Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT Bình Định), số tiền thiệt hại 36,937 tỷ đồng (chưa tính 17,8 tỷ đồng phía ngân hàng), chỉ là con số thống kê ban đầu của 19 chủ tàu.

Con số thực tế, có thể thay đổi, bởi các bên chưa thực sự đi đến thống nhất, còn nhiều tranh cãi. Ngoài ra, đã xảy ra sai số giữa kê khai và số liệu cập nhật của đơn vị chức năng.

Chủ tàu Lê Văn Thãi (tàu BĐ 99016 TS) cho biết, trước đó ông đã kê khai thiệt hại là 2 tỷ, nhưng sau đó đơn vị chức năng lại tổng hợp, rút xuống còn 1,7 tỷ đồng.

Vụ tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt: Doanh nghiệp quay sang buộc tội ngư dân ảnh 1 Chủ tàu Nguyễn Văn Lý. Ảnh: NGỌC OAI
Trước yêu cầu bồi thường từ phía các chủ tàu, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tuyên bố rằng: “Đại Nguyên Dương có thiếu sót nhất định ở quy trình sơn, thi công hầm lạnh nhưng máy ổn định, vỏ thép ổn định. Chúng tôi không đồng ý bồi thường”.
Chủ tàu Nguyễn Văn Lý, tàu BĐ 99004 TS phản đối ngay: “Ông Nguyên nói sai hoàn toàn. Tàu tôi hư hại, bong tróc như thế nào, mọi người ở đây đều biết, sao nói ổn định? Thiết kế cũng không đúng, ra khơi là hỏng lưới, hỏng chài hết thì ổn định cái gì?”
Vụ tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt: Doanh nghiệp quay sang buộc tội ngư dân ảnh 2 Tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt, nằm bờ chờ sửa chữa. Ảnh: NGỌC OAI
Ông Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) nói thêm: “Trước đó, bên đăng kiểm họ nói vỏ đã đạt MAC A gì đó nên mình cũng hạ xuống chịu nhượng, nhiều chỗ không đủ MAC A, cũng xài tất. Nhưng khi bắn cát thấy thép MAC A gì đâu mà rổ từng cụm, lồi lõm cỡ đó thì chẳng biết A loại gì nữa!”
Chưa dừng ở đó, lãnh đạo Công ty Đại Nguyên Dương đã cáo buộc rằng, việc khắc phục các tàu vỏ thép khiến doanh nghiệp này tổn thất nặng nề, mất uy tín trầm trọng. Hơn 300 công nhân mất việc; nhà xưởng, mặt bằng hoang hóa; việc khắc phục trễ nải là do Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan không đáp ứng được mọi yêu cầu, thời tiết, bão số 12 làm ảnh hưởng tiến trình khắc phục…
Vụ tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt: Doanh nghiệp quay sang buộc tội ngư dân ảnh 3 Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ông Nguyễn Xuân Nguyên tuyên bố không bồi thường cho ngư dân. Ảnh: NGỌC OAI
Ngoài ra, ông Phan Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cho biết, phía Công ty Nam Triệu, trước đó cam kết hỗ trợ 45 triệu đồng để ngư dân đưa tàu vào Khánh Hòa sửa chữa nhưng đã không thực hiện đầy đủ. Nếu phương án đền bù mà kéo dài, không quyết, thiệt hại chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở con số hơn 36 tỷ đồng.

Trả tàu, ra tòa hay cầu cứu Thủ tướng?

Ngày 1-12, trao đổi với PV Báo SGGP, ngư dân Mai Văn Chương cho biết, tới đây các chủ tàu sẽ tiếp tục ngồi lại, lần thứ 2 làm đơn kêu cứu, nhờ Thủ tướng Chính phủ can thiệp. “Chúng tôi nhất quyết không nhận tàu nữa. Công ty này trước đến giờ cứ chơi cùn như vậy. Ngay cả việc khắc phục họ cứ viện hết lý do này, nọ để kéo cưa, khắc phục thì kiểu đối phó. Trung tâm đăng kiểm, chính quyền nói họ cũng mặc kệ, lươn lẹo, cù nhầy. Giờ chúng tôi mong muốn các đơn vị chức năng, Công an cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa”, ông Chương bức xúc.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay, việc này Sở NN-PTNT không có thẩm quyền nên không thể ép buộc doanh nghiệp đền bù cho ngư dân được. Nếu hai bên vẫn chưa đi đến thống nhất đền bù thì có thể sẽ đưa ra tòa án kinh tế để giải quyết.

Vụ tàu vỏ thép NĐ 67 gỉ sắt: Doanh nghiệp quay sang buộc tội ngư dân ảnh 4 Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đi kiểm tra công tác khắc phục tàu vỏ thép hư hỏng, rỉ sét tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. Ảnh: NGỌC OAI
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) kêu gọi, các chủ tàu đừng lo ngại. Đã có rất nhiều luật sư trong cả nước sẽ tình nguyện vào cuộc, đi kiện miễn phí cho ngư dân. Họ sẵn sàng giúp ngư dân đòi lại công bằng mà không thu bất kỳ đồng phí nào.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo SGGP vào chiều 1-12, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, thái độ của Công ty Đại Nguyên Dương tại cuộc họp vào ngày 30-11 là không chấp nhận được. “Tới đây, tỉnh Bình Định sẽ triệu tập các đơn vị chức năng cùng với doanh nghiệp này để tiếp tục làm việc. Nếu doanh nghiệp vẫn giữ quan điểm như vậy, tỉnh Bình Định sẽ có chỉ đạo tiếp”, ông Trần Châu nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục