Vui tết cho hay

Sáng 15-2, trường học trên cả nước đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016.

Sáng 15-2, trường học trên cả nước đồng loạt mở cửa hoạt động trở lại, kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016.

Tuy là ngày học đầu tiên của năm mới nhưng ở nhiều nơi, không khí “vui xuân” vẫn tràn ngập. Từ những nhành mai, chậu cúc đến cặp câu đối đỏ, nhiều đơn vị cho biết sẽ giữ lại đến hết tuần lễ đầu tiên của năm mới (tức qua rằm tháng Giêng) để học sinh vẫn cảm nhận được không khí rộn ràng, tươi mới của mùa xuân khi bước vào học kỳ mới. Râm ran trong những câu chuyện kể của thầy cô vẫn xung quanh chủ đề vui xuân, chơi tết.

Cô T., một giáo viên đã về hưu, hiện đang công tác tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa ở TPHCM cho biết, tết đối với cô vui nhất là ngày mùng 3 Tết. Bởi sau 20-11, tết là dịp nhiều thế hệ học trò về thăm cô, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm buồn vui ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm nào cũng vậy, vào mỗi sáng mùng 3 Tết, cô đều chuẩn bị nhà cửa tinh tươm, trên mâm kẹo mứt đầy đủ để đón tiếp học trò. Các em chia thành nhiều nhóm nhỏ, đến rải rác vào các khoản thời gian khác nhau trong ngày, nhưng đều giống nhau ở sự náo nhiệt. Năm nay do kinh tế có phần khá giả nên cô quyết định lì xì cho tất cả học trò. Số tiền mừng tuổi tuy không nhiều, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng là đem lại may mắn, thành công cho học trò nhưng đó là tất cả sự chắt chiu, dành dụm và tấm lòng yêu thương của cô giáo. Tuy nhiên, chia sẻ với chúng tôi, cô T. cho biết: “Khi nhận phong bao lì xì từ tay tôi, hầu hết các em đều thể hiện sự vui mừng, cảm động. Ngay lúc tặng, tôi cũng nói trị giá bên trong không lớn, vui với nhau là chính. Nhưng chiều tối hôm đó khi quét sân, tôi giật mình phát hiện nhiều bao lì xì của mình vương vãi ở bậc cửa, bên trong rỗng ruột. Tuy biết đó không phải tất cả, nhưng hình ảnh đó khiến tôi chạnh lòng!”.

Trường hợp khác, trên một diễn đàn mạng, nhiều thành viên đã chia sẻ với nhau hình ảnh về một nhóm cô, cậu học sinh trong trang phục áo dài truyền thống đi dạo Đường hoa Nguyễn Huệ. Sẽ không có gì đáng nói nếu ở những tấm hình sau của loạt ảnh, các em biến hóa tà áo dài thành nhiều kiểu dáng khác nhau như hất tung vạt áo sau lên vai, cột chéo cùng vạt trước, đứng tạo dáng như kiếm sĩ trong tiểu thuyết võ hiệp. Phá cách hơn, có bạn còn “đóng thùng” luôn hai vạt áo, kết hợp cùng giày bốt cổ cao tạo thành trang phục như quý tộc thời kỳ La Mã cổ đại. Nhiều người đã bình luận vui là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nhưng đa số đều thể hiện sự không hài lòng. “Không biết khi khoác tà áo ấy lên người, các bạn ấy đã hiểu hết ý nghĩa và giá trị lâu đời của bộ trang phục truyền thống?” hay “Nhìn những kiểu áo phá cách, nghịch ngợm đó, bạn bè quốc tế sẽ nói gì đây?”, là hai trong số những lời bình luận nhận được nhiều lượt like nhất của cộng đồng mạng.

Đó là chưa kể hiện nay trong giới trẻ đang dần hình thành trào lưu du lịch xa vào mấy ngày nghỉ tết. Thay vì ở nhà dọn dẹp nhà cửa, tiếp khách cùng bố mẹ hay đi thăm, chúc tết họ hàng, các bạn trẻ - những người tự cho mình quyền sống hiện đại, phải “đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn” - lại chọn cách đón những ngày đầu tiên của năm mới bằng những chuyến du lịch bụi. Các bạn ấy đâu biết làm như vậy sẽ khiến gia đình giảm đi sự ấm áp lẫn tiếng cười sum họp đầu năm.

Cùng với sự phát triển của xã hội, cách đón tết của người Việt cũng có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những gì đã thuộc về giá trị truyền thống luôn cần được các thế hệ trẻ bảo tồn, gìn giữ. Không thể vì chạy theo lối sống hiện đại mà đánh mất đi những tập tục đã được nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ xây đắp. Tiếc là không phải ai cũng hiểu được điều đó…

 MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục