WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với chủng mới của virus Corona

Tối 30-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) đối với chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) sau khi Ủy ban khẩn cấp WHO nhóm họp lần thứ hai tại Geneva, Thụy Sĩ, theo các Quy định y tế quốc tế (2005).
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, trong cuộc họp báo về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona mới gây ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, trong cuộc họp báo về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona mới gây ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona  (2019-nCoV) gây ra.

Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng.
Trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu, dù trước đó, WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. 

WHO tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát tốt nhất trên toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương.

Các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vaccine tiềm năng, các loại thuốc kháng virus và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.

Ban thư ký WHO đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình ở các quốc gia khác. Hiện có 82 trường hợp tại 18 quốc gia. Trong số này, chỉ có 7 người không có lịch sử du lịch tại Trung Quốc. Đã có sự lây truyền từ người sang người ở 3 quốc gia ngoài Trung Quốc. Một trong những trường hợp này là nghiêm trọng và không có trường hợp tử vong.
Tối 30-1, giới chức Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy 7.711 người đã nhiễm bệnh trên cả nước, chủ yếu là người dân tại và xung quanh TP Vũ Hán. Dù hầu hết 170 người tử vong đều ở trong khu vực này nhưng cũng có nhiều trường hợp ở một số tỉnh khác và ca đầu tiên tử vong tại thủ đô Bắc Kinh cũng đã được báo cáo. Tại Hồng Công, 10 ca đã có kết quả dương tính với nCoV trong khi Macau xác nhận 7 trường hợp, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng phát hiện 8 ca.

Tin cùng chuyên mục