WTO: Tình hình thương mại thế giới khả quan

Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại toàn cầu đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến được đưa ra năm 2022, bất chấp những biến động do cuộc xung đột Ukraine gây ra, bởi các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề đã tìm cách chuyển đổi nhà cung cấp hoặc hàng hóa.
Lúa mì tại Argentina được chuyển lên tàu xuất khẩu
Lúa mì tại Argentina được chuyển lên tàu xuất khẩu

Sự linh hoạt của thương mại đa phương

Cơ quan giám sát thương mại toàn cầu đã dự báo mức tăng trưởng chỉ 3% trong năm 2022 do xung đột gây ra sự gián đoạn lớn đối với xuất khẩu, bao gồm lúa mì và nhiên liệu.

Tuy nhiên, ông Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của WTO, khi trình bày phân tích mới nhất về tác động của cuộc xung đột đối với thương mại, đã nhận định thương mại toàn cầu hiện “ổn định tốt”. Thương mại toàn cầu có khả năng phục hồi vì các thành viên WTO đã thể hiện sự kiềm chế trong việc sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Bất chấp ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine ​​suốt một năm qua, dòng chảy thương mại vẫn tăng trưởng. Tình trạng giá lương thực tăng cao và thiếu hụt nguồn cung đã chấm dứt, nhờ sự cởi mở của hệ thống thương mại đa phương.

Theo WTO, các đối tác thương mại đã tìm thấy các nguồn thay thế để lấp đầy khoảng trống cho hầu hết các sản phẩm bị ảnh hưởng từ cuộc xung đột, như lúa mì, ngô, sản phẩm từ hoa hướng dương, phân bón, nhiên liệu và palladium - một khoáng chất được sử dụng sản xuất linh kiện ô tô.

Báo cáo của WTO cho biết thêm một số quốc gia trước đây phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ukraine đã chuyển đổi sản phẩm lương thực, như từ lúa mì sang gạo. Những nước khác tìm thấy các nhà cung cấp thay thế, như Ai Cập thay thế lúa mì từ Ukraine bằng hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Nga. Ethiopia, vốn từng dựa vào Ukraine và Nga để nhập khẩu 45% lúa mì, đã tăng cường mua lúa mì từ Mỹ và Argentina.

Cần phối hợp đồng bộ

Về triển vọng dài hạn, WTO khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, trong đó các nước kém phát triển nhất có thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất nếu hợp tác quốc tế bị phá vỡ.

Nhờ hệ thống thương mại đa phương, giá hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột tăng ít hơn dự kiến​. Với các sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cuộc xung đột tại Ukraine, giá chỉ tăng từ 4,4% (palladium) đến 24,2% (ngô). Mặc dù những mức tăng giá này là đáng kể, nhưng chúng thấp hơn so với những dự đoán ảm đạm nhất. Như giá lúa mì, chỉ tăng 17%, thấp hơn nhiều so với dự báo của Ban thư ký WTO là 85% ở một số khu vực có thu nhập thấp.

Củng cố hệ thống thương mại đa phương cũng là một trong các trọng tâm của Hội nghị lần thứ 5 của Liên hiệp quốc về các nước kém phát triển nhất (LDC5), diễn ra từ ngày 5 đến 9-3 tới tại Doha, Qatar. LDC5 sẽ thảo luận về những cách tăng cường năng lực thương mại của LDCs, gồm các cơ hội do thương mại kỹ thuật số mang lại. Các biện pháp phối hợp và đồng bộ là cần thiết để giúp các nước kém phát triển tiếp cận tốt hơn với thương mại quốc tế và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bà Rabab Fatima, Phó Tổng thư ký Liên hiệp quốc, cho biết các nước nghèo đã và đang thu được lợi ích đáng kể từ hệ thống thương mại đa phương của WTO. Ông Samheng Bora, Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, tin tưởng mạnh mẽ rằng hệ thống thương mại đa phương và các ưu đãi thương mại đã mang lại lợi ích to lớn về kinh tế cho đất nước Chùa tháp.

Tin cùng chuyên mục