Hội thảo về nhóm trẻ gia đình

Xã hội hóa không phải là rút bớt ngân sách!

Xã hội hóa không phải là rút bớt ngân sách!
Xã hội hóa không phải là rút bớt ngân sách! ảnh 1

Trẻ mẫu giáo rất cần được sự quan tâm của toàn xã hội.

Ngày 2-3-2005, Báo SGGP có bài viết “Mở cửa” để quản lý! đề cập đến nhiều khía cạnh trong hoạt động của nhóm trẻ gia đình (NTGĐ). Tại cuộc hội thảo sáng 7-3 do Ủy ban Dân số- Gia đình-Trẻ em tổ chức tiếp tục cho thấy những bất cập trong công tác quản lý mà chính quyền và ngành GD-ĐT TPHCM cần phải xem lại.

Nhận định chung về thực trạng quản lý NTGĐ không phép hiện nay, bà Lê Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, trước tốc độ phát triển rất nhanh của các NTGĐ, ngành giáo dục – đào tạo và chính quyền địa phương không thể kiểm soát nổi. Ở quận 9, quận Bình Tân, chính quyền tỏ ra rất lúng túng trong việc xử lý các NTGĐ không phép vì hiện nay chưa có cơ chế xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB DS GĐ TE Việt Nam Lê Thị Thu bức xúc: Nhà nước đầu tư cho mỗi trẻ theo học nhà trẻ từ 800.000 – 1.200.000 đồng/trẻ/tháng nhưng chỉ có chưa đến 20% trẻ được theo học, còn 80% trẻ phải vào các NTGĐ. Theo bộ trưởng, đang có sự bất bình đẳng, mất công bằng trong các trường công lập! Nhà trẻ công lập thu tiền rất cao. CBCNV còn không kham nổi thì nhân dân lao động làm sao dám gởi con?

Trước sự phát triển của NTGĐ, ngành GD-ĐT TPHCM đang ở trong tình thế bị động và lúng túng, chưa tham mưu được với nhà nước xã hội hóa nên phát triển như thế nào, các chính sách đối với NTGĐ ra sao…

Cùng quan điểm này, bà Trần Thị Thanh Diệu, ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân TP cho rằng NTGĐ là hệ quả tất yếu của việc nhận thức không đầy đủ chủ trương xã hội hóa. Theo bà, xã hội hóa là tăng cường quản lý của nhà nước chứ không phải là rút bớt ngân sách lại, giao cho nhân dân làm. Đối với ngành học mầm non, bậc học đóng vai trò cơ sở cho sự phát triển của một công dân, càng không thể thực hiện xã hội hóa theo cách này.

Nhận định về trách nhiệm quản lý NTGĐ, Bộ trưởng Lê Thị Thu cho rằng, không nên “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”. Trên cơ sở nhìn lại chức năng, nhiệm vụ của mình, chính quyền địa phương, ngành GD-ĐT và các ban ngành nên phối hợp để cùng giải quyết thực trạng “dầu sôi, lửa bỏng” của NTGĐ TPHCM. Ngành GD-ĐT - phải xem NTGĐ là một lực lượng của ngành nhằm có kế hoạch dự trù kinh phí cho đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.

Bộ trưởng đề nghị, Sở GD-ĐT TP nên có tổng kết đánh giá về xã hội hóa trong giáo dục, đặc biệt là các chính sách tác động đến xã hội hóa như thuế, tài chính… đồng thời rà soát lại những quy định, hướng dẫn trong việc cấp phép cho NTGĐ.

Lâm Vy

Tin cùng chuyên mục