Xác định rõ phạm vi bảo vệ để có biện pháp quản lý phù hợp công trình quốc phòng, khu quân sự

Nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu nội dung quản lý, biện pháp tổ chức quản lý phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang

Tại phiên họp sáng 23-6, Quốc hội còn cho ý kiến về dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Nhiều ý kiến tại phiên họp bày tỏ quan tâm đến việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng, khu quân sự để làm cơ sở xác định phạm vi bảo vệ, yêu cầu nội dung quản lý, biện pháp tổ chức quản lý phù hợp.

Mặt khác, việc phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự còn là cơ sở để xây dựng chế độ, chính sách cho các đối tượng liên quan đến công tác quản lý.

Tuy nhiên, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) lưu ý, việc phân loại, phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự thành nhiều nhóm, vừa phân loại theo chiều dọc, vừa phân loại theo chiều ngang có thể sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.

Cũng về vấn đề này, ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề xuất cần rà soát, đối chiếu với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho công tác thu hồi đất khi cần thiết.

Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) nhận xét, dự thảo Luật có nhiều nội dung liên quan đến quản lý bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình quân sự, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình, việc tạm giữ người, đồ vật, sử dụng vũ khí hỗ trợ… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định để tránh xung đột với các luật khác có liên quan, bao gồm Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh dự thảo Luật để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh. Một số nội dung cụ thể ĐB nêu, Bộ Quốc phòng sẽ có báo cáo gửi đến ĐB để giải trình rõ.

Dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 6 chương, 34 điều. Nội dung của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở 4 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13-6-2022 và chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 28-2-2022.

Theo đó chính sách 1: Hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chính sách 2 về chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự.

Chính sách 3 quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự. Chính sách 4 là chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại địa bàn, khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Tin cùng chuyên mục