Xác định vai trò các trung tâm ứng dụng

Nhiều nhưng chưa đủ
Xác định vai trò các trung tâm ứng dụng

Hàng năm, các đơn vị nghiên cứu trên cả nước cho ra đời hàng ngàn quy trình - thiết bị mới, không ít trong số đó do các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp sản xuất vẫn còn thấp vì các đơn vị địa phương chưa phát huy hết tiềm lực. Thực trạng được nêu lên tại hoạt động “Kết nối cung - cầu công nghệ khu vực ĐBSCL” và “Hội nghị các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương”, do Bộ KH-CN phối hợp cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ vừa tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long.

Người dân ĐBSCL rất quan tâm đến giống cây trồng.

Người dân ĐBSCL rất quan tâm đến giống cây trồng.

Nhiều nhưng chưa đủ

Đánh giá hoạt động KH-CN vùng ĐBSCL thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cho biết, nhờ đầu tư nguồn lực, viện nghiên cứu, doanh nghiệp 13 tỉnh, thành trong vùng đã tạo ra nhiều giống cây trồng, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Hàng loạt các quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến ra đời phù hợp với đặc điểm phát triển của mỗi địa phương. Trong số đó, vùng đóng góp 3/9 sản phẩm quốc gia gồm lúa, cá da trơn và nấm dược liệu. Ngoài ra, các chương trình lớn được Chính phủ giao cho Bộ KH-CN chủ trì như Chương trình Nông thôn miền núi, Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, Năng suất chất lượng, Chương trình KH-CN trọng điểm cấp Nhà nước… đã giúp các địa phương đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh.

Minh chứng rõ nhất qua hoạt động kết nối cung cầu tại Vĩnh Long năm 2013, có hơn 150 loại quy trình công nghệ mới được giới thiệu, trưng bày và trình diễn. Trong đó, hơn 100 công nghệ do các đơn vị nghiên cứu làm chủ ở mức độ thương mại hóa. Khi đưa ra trình diễn trong ngày đầu tiên, đã chuyển giao và thu lợi hơn 20 tỷ đồng. Còn trên quy mô cả nước, 10 tháng đầu năm, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN địa phương (gọi tắt là trung tâm) đã thực hiện 1.851 hợp đồng với tổng giá trị ước đạt hơn 30 tỷ đồng. Tuy vậy, đại diện các tỉnh thành trong vùng ĐBSCL thừa nhận, công nghệ, thiết bị máy móc hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sản xuất...

Chính vì thế, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM băn khoăn: Với đặc điểm là vùng lúa gạo lớn của thế giới, nhưng hiện giá trị hạt gạo của ĐBSCL vẫn còn thấp. Trong đó, thiếu các công nghệ chế biến là một trong những nguyên nhân chính. Trong vai trò là một trong những trung tâm KH-CN lớn nhất nước, với đội ngũ chuyên gia hùng hậu, TP đã có biên bản thỏa thuận hợp tác với tất cả các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Tùy theo tình hình phát triển kinh tế tại mỗi địa phương mà có nội dung hợp tác phù hợp. Đơn cử như đánh giá trình độ công nghệ cho doanh nghiệp tại Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng; ứng dụng GIS tại Sóc Trăng, Vĩnh Long, Bạc Liêu; hỗ trợ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản Cà Mau… Tuy nhiên, các hoạt động chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ chất xám.

Trung tâm ứng dụng phải là cầu nối

Tại buổi trình diễn cung - cầu công nghệ, đại diện Bộ Công thương cho biết, đến nay chỉ có khoảng 8% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt trình độ công nghệ tiên tiến (phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Còn về doanh nghiệp trong nước, hầu hết đều đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu. Năng suất lao động chung của doanh nghiệp chỉ dao động dưới 200 triệu đồng/năm, thấp hơn nhiều mặt bằng chung của các doanh nghiệp một số nước trong khu vực. Để các doanh nghiệp mặn mà hơn với đổi mới công nghệ, vai trò của các trung tâm địa phương có vai trò then chốt.

Đồng quan điểm, ông Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH-CN Lạng Sơn đánh giá, các trung tâm địa phương phải là cầu nối quan trọng giữa nhà khoa học và đơn vị sản xuất. Ai cũng biết, từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho đến khi ứng dụng là cả một quá trình. Mà người nông dân chúng ta không tự nhiên ứng dụng được các công nghệ mà không có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, hiện các trung tâm địa phương vẫn chưa xác định rõ ràng vị trí của mình trong cả quá trình đó.

Cụ thể hơn, Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhắc lại thời điểm tỉnh có đến 33 đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu nhưng phải nằm chờ vì không tìm ra địa điểm ứng dụng. Trong tình huống này, chính các trung tâm địa phương phải là nơi hiểu rõ nhu cầu công nghệ tại địa phương mình. Trung tâm phải lập dự án xác định quy mô nghiên cứu, nguồn vốn lấy ở đâu, đơn vị nào ứng dụng… Giám đốc Sở KH-CN và lãnh đạo tỉnh phải đứng ra phê duyệt dự án. Khi đó, lộ trình ứng dụng kết quả nghiên cứu mới nhanh và đạt hiệu quả.

TƯỜNG HÂN

Tin cùng chuyên mục